Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Tùy Viên thi thoại

 Sách có ý tìm đã lâu năm chửa thấy, nay gặp vài đoạn trích lược chép lại đọc đỡ buồn.


I.1
Những kẻ anh hùng đời xưa, khi chưa gặp thời, đều chẳng có chí khí gì lớn lao (…) Vua Quang Võ lúc còn nghèo, cùng đi với Lý Thông, kêu kiện việc thiếu tô thuế với Nghiêm Vưu, Vưu thấy có vẻ lạ, để ý nhìn Quang Võ, sau khi về nhà, Quang Võ bảo Lý Thông rằng: “Ông Nghiêm có nhìn ông đâu?”, dò ý Quang Võ thì ra ông ta cho việc Nghiêm Vưu nhìn mình là vinh hạnh lắm. Hàn Thế Trung khi còn làm lính trơn, có người tướng sĩ đoán rắng, ngày sau sẽ được phong vương, Thế Trung cho là mỉa mai mình, vung nắm tay mà đánh. Tướng công Ngạc Tây Lâm khi còn làm chức thị vệ, trong bài “Tân Sửu nguyên nhật”có câu “Lãm kính nhân tương lão, Khai môn thảo vị sinh” (nghĩa là: Ngắm gương người sắp già, Mở cửa cỏ chưa mọc) và trong bài thơ “Vịnh hoài” có câu “Khan lai tứ thập do như thử, Tiện đáo bách niên dĩ khả tri” (Xem đây bốn chục còn như thế, Thì đến trăm năm [khi già] cũng biết rồi). Xem ý mấy câu thơ trên thì hình như ông ta không hề nghĩ rằng sau này mình sẽ làm nên tướng văn, tướng võ. Nhưng đến khi làm chức Kinh lược bảy tỉnh rồi thì khí tượng khác ngay, trong thơ ngang nhiên cho rằng mình là một Gia Cát Võ Lương hầu tái thế.
I.2
Dương Thành Trai nói rằng: “Xưa nay những người tài phận thấp kém thường hay nói cách điệu (tức cách luật và âm điệu) mà không hiểu phong thú. Vì sao vậy? Vì cách điệu là một thứ khung rỗng tuếch, còn phong thú thì chuyên môn miêu tả tính linh của con người, không phải người có thiên tài, không thể làm được.”
Tôi rất thích câu nói ấy. Phải biết, có tính tình tức có cách luật, cách luật không nằm ở ngoài tính tình. Ba trăm bài thơ trong “Kinh thi”, phân nửa đều là câu nói ngôn tình của những người lao khổ hoặc những người đàn bà nhớ thương, buột miệng nói ra, nào có ai bày cách luật cho họ, mà những người nghiên cứu cách điệu đời nay có ai vượt được ra ngoài phạm vi ấy không? Phương chi ca dao đời vua Võ khác với loại thơ “Kinh thi”, cách luật của loại thơ “Quốc phong” không giống như thơ “Nhã”, thơ “Tụng”, cách luật có gì là nhất định đâu! Hứa Hồn có câu thơ “Ngâm thơ hảo tự thành tiên cốt, Cốt lý vô thi mạc lãng ngâm” (Ngâm thơ giống như cốt thành tiên, Trong cốt không có thơ chớ ngâm bừa) cho nên thơ quan hệ ở cốt chứ không phải ở cách.
I.5
Thi nhân đời Đường có rất nhiều thơ hỏng thi, Đường Thanh Thần có bài thơ “Bất đề viễn quy lai, Thê tử sắc bất hỷ, Hoàng khuyển cáp hữu tình, Đương môn ngọa dao vĩ” (Thi hỏng về xa xôi, Vợ con mặt kém vui, Chó vàng hẳn có tình, Giữa cửa nằm vẫy đuôi).
I.6
Tôi làm thơ vốn không thích dùng điệp vần, họa vần hoặc dùng vần của người xưa, vì cho rằng, làm thơ cốt tả tính tình, thích như thế nào thì làm như vậy, trong một vần có trăm ngàn chữ, mặc ý mình chọn dùng, thế mà có lúc dùng xong rồi còn không vừa ý mà phải thay đổi lại, thì sao lại chịu gò bó mà dùng trong một vài vần, đã gò bó thì không thể không nhồi nhét, đã nhồi nhét thì còn đâu nữa là tính tình? Trang Tử có câu: “Vong túc lý chi thích dã” (Giày vừa quên chân), tôi cũng nói: “Thơ vừa quên vần”.
I.7
Triệu Nhân Thúc ở Thường Châu có đôi câu đối “Điệp lai phong hữu trí, Nhân khứ nguyệt vô liêu” (Bướm tới gió đẹp đẽ, Người đi trăng bùi ngùi). Một ông nọ có bài thơ “nghị cổ” như sau: “Mạc tác giang thượng châu, Mạc tác giang thượng nguyệt, Châu tải nhân biệt ly, Nguyệt chiếu nhân ly biệt” (Trên sông chớ làm thuyền, Trên sông chớ làm trăng, Thuyền chở người biệt ly, Trăng soi người ly biệt). Kim Thánh Thán hay phê bình tiểu thuyết, bị người ta chê trách, nhưng ông có bài thơ “Túc dã miếu” rất hay như sau: “Chúng hưởng tạm dĩ tịch, Trùng ư phật diện phi, Bán song quan dạ vũ, Tứ bích quải tăng y” (Mọi tiếng dần im lặng, Mặt tượng muỗi vi vu, Nửa song khép mưa tối, Bốn vách treo áo sư).
I.16
Hai chữ “Nhạc phủ” là tên của cơ quan giám sát trong cung đời xưa, thấy xuất hiện ở hai truyện Hoắc Quang và Trương Phóng. Các bài nhạc chương như “Quân mã hoàng”, “Lâm cao đài”… thất truyền đã lâu. Bởi vì trong “Nhạc phủ” khi sao chép khúc nhạc, dùng chữ lớn để tả “từ”, chữ nhỏ để tả “thanh”, từ và thanh viết chung vào như thế dễ bị nhầm lẫn. Vì thế người đời Ngụy đổi tên khúc “Tương tiến tửu” gọi là “Bình quan trung”, khúc “Thượng chi hồi” gọi là “Bình quan độ”, cả mười hai khúc đầu không noi theo người đời Hán. Người Tấn đổi khúc “Tư bi ông” gọi là “Tuyên thụ mệnh”, khúc “Chu lộ” gọi là “Linh chi tường”, gồm cả mười hai khúc đều không noi theo người Ngụy. Các ông Lý Bạch và Lý Tường Cát đời Đường biết như vậy nên họ đều theo tên cũ mà làm ra bài của mình. Các ông Đỗ Phủ, Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị cũng biết như vậy nên tự mình làm lấy thơ mà sáng tác loại “Nhạc phủ” mới. Trong bài tựa viết đầu tập thơ họ Đỗ, Nguyên Chẩn đã nói rõ, Trịnh Tiều cũng nói rằng, “Nhạc phủ” đời nay, Thôi Báo lấy nghĩa nói ra tên, Ngô Cạnh lấy việc mà giải thích đề mục, cũng như loại thơ đã thất truyền vậy. Khúc “Tương tiến tửu” mà Lý Dư dùng để làm bài tựa truyện “Liệt nữ”, khúc “Xuất môn hành” mà Lưu Mãnh không nói gì đến nỗi biệt ly, trong bài “Thu hồ hành” mà Lương Võ Đế viết câu “Thần tượng Tản Quan san, Thử đạo đương hà nan” (Sáng lên núi Tản Quan, Đường này không khó khăn), các bài trên, nội dung đều chẳng liên quan gì đến đề mục, thế mà người đời nay vẫn còn khăng khăng ôm lấy sách “Nhạc phủ giải đề”, cho là một bản sách bí ẩn, rồi mô phỏng từng chữ từng câu, chẳng khác gì tự dưng vẽ ra ma quỷ, chẳng có gì là bằng cứ, nhưng vẫn đặt lên đầu quyển để phô trương mặt mũi, cũng ví như bọn người tự ý khoe khoang dòng dõi, nêu lên những chức tước rất lớn của cha ông mình mà không biết rằng những cái ấy không hề liên quan gì đến mình cả.
I.17
Sách “Tả truyện” chép đời Xuân Thu, chúa nước Trịnh thiết tiệc sứ thần nước Tấn là Triệu Mạnh, có bảy người lên đọc thơ để làm vui khách, có người đọc bài “Thuần bôn” [1], Triệu Mạnh gạt đi mà rằng: “Câu chuyện buồng the không nên lộ ra khỏi ngưỡng cửa, bài này không phải là bài sứ thần nên nghe”, thế thì các bài cùng đọc lúc đó như “Dã hữu man thảo”, “Hữu nữ đồng xa” và “Thác hề” đều không phải là thơ dâm loạn, đã rõ lắm vậy.
[1] “Thuần bôn” là bài thơ ở “Vệ phong” chế bà Tuyên Khương hủ hóa với công tử Ngoan.
I.22
Sách “Tam dư biên” nói rằng, nhà thơ dùng sự tích không nên quá câu nệ, như trong bài “Trường hận ca” của Bạch Cư Dị có câu “Nga My sơn hạ thiểu nhân hành” (Dưới chân núi Nga My ít người đi), thực ra Đường Minh Hoàng vào Thục, có đi qua núi Nga My đâu. Thơ Tạ Tuyên Thành có câu “Trừng giang tịnh như luyện” (Sông trong sạch như lụa), thực ra Tuyên Thành cách sông đến hàng trăm dặm, xung quanh huyện lỵ ấy không hề có con sông nào cả.
I.23
Người ta hay nói, người có tài lớn giống như sông Hoàng Hà muôn dặm, cát và bùn đều trôi xuống. Tôi cho rằng, đó là người có tài thô kệch, chứ không phải tài lớn, tài lớn thì phải như nước biển liền trời, sóng cồn tắm nhật, cái người ta thấy đều là cung vàng điện bạc, cỏ lạ hoa kỳ, làm gì có loại cát bùn làm nhơ con mắt người ta!
Có người nói rằng, trong làng thơ, có loại nhà thơ nổi tiếng, có loại nhà thơ lớn, nhà thơ lớn thì hơi pha tạp cũng không hiếm gì, còn nhà thơ nổi tiếng thì phải chọn lọc từng chữ, đo đắn từng câu mới được. Tôi cho rằng, nhà thơ nên tự xưng là nhà thơ nổi tiếng để cho người đời sau xếp mình vào loại nhà thơ lớn, chứ không nên tự xưng làm nhà thơ lớn, rồi để cho người đời sau đuổi mình ra ngoài loại nhà thơ nổi tiếng. Tôi thường khuyên viên thái sử Tưởng Tâm Dư rằng: “Anh nhất thiết đừng để tay già của mình rời rã, người có tài thì gan phải to”, Tâm Dư cho là phải.
I.24
Làm hoành phi, câu đối ở các miếu thần khó ở chỗ dùng thành ngữ mà giàu ý vị. Có nơi xây miếu thờ Thương Hiệt, xin làm bức hoành, Hầu Gia Phiên cầm bút viết bốn chữ “Thủy chế văn tự” (Bắt đầu đặt ra chữ). Mọi người đều khen là hay tuyệt. Có người xin đôi liễn rạp hát, Diệu Niệm Tư tập thơ Đường cho câu “Thử khúc chỉ ưng thiên thượng hữu, Tư nhân mạc đạo thế gian vô” (Khúc này họa chỉ trên đời có, Người kia chớ nói cõi đời không). Tương Văn Mẫn cũng tập thơ Tống, làm thành câu đối rạp hát như sau: “Cổ vãng kim lai chỉ như thử, Dạm trang nồng mạt tổng tương nghi” (Nay tới xưa qua chỉ như thế, Bôi nồng tô đậm thảy thích nghi). Ở rạp hát Tô Châu có tập cú câu đối như sau: “Bả vãng sự kim triêu trùng đề khởi, Bá công phu minh nhật tảo la lai” (Đem chuyện cũ hôm nay nhắc trở lại, Tốn công phu mai đến sớm hơn nhé!). Mấy câu trên đều hay cả.
I.25
Tôi vốn không thích thơ của Hoàng Sơn Cốc đời Tống, mà ý kiến của người xưa cũng có người tán đồng. Ngụy Thái chê Sơn Cốc hay nhặt lấy những chữ người xưa đã loại bỏ mà dùng, tự khoe là kỳ dị. Tô Đông Pha nói: “Đọc thơ Sơn Cốc như ăn con tù mâu (một loại rạm biển) sợ phát phong động khí”. Quách Công Phủ nói: “Hoàng Sơn Cốc làm thơ, nhất định phải hao phí khí lực như vậy, chẳng hiểu là vì lẽ gì?”, Lâm Ngải Hiên nói: “Thơ của Tô Đông Pha như trang nam nhi ra ngoài gặp khách, cứ cao bước ra ngay. Thơ của Hoàng Sơn Cốc như cô gái gặp người, trước tiên còn khép nép làm bộ. Đó là sự hơn kém giữa hai ông vậy”. Tôi cũng thường ví thơ của Sơn Cốc chẳng khác gì loại bách hợp trong giống quả, hoặc loại đậu gươm trong giống rau, rốt cục vị kém.
I.26
Từ Ngưng Vịnh suối nước bay, có câu “Vạn cổ thường nghi bạch luyện phi, Nhất điều giới phá thanh sơn sắc” (Muôn thuở thường ngờ lụa trắng bay, Một đường vạch ngấn sắc núi biếc), đúng là câu thơ hay, nhưng Tô Đông Pha lại chê là kém [1] vì ý thơ chưa được siêu thoát, nhưng bài thơ hải đường của Đông Pha có câu: “Chu thần đắc tửu vựng sinh kiểm, Thúy tụ quyển sa hồng ánh nhục” (Môi son được rượu má đỏ hây, Áo thúy cuộn the hồng ánh thịt), so với thơ của họ Từ có phần kém [2] hơn, thế mà người ta sợ thanh danh ông Tô, không dám nói tới, vì thế, Ứng Thiều từng nói “theo tiếng thì nhiều, xét âm thì ít” vậy.
[1][2] Chữ “kém” dịch ép hai chữ “ác thi” vì dùng chữ “ác”, “xấu” đều không rõ, đành dịch tạm như thế. Mấy câu thơ ấy mà gọi là “ác thi” và “chưa siêu thoát” không rõ vì nghĩa lý gì?
I.27
Ông cử nọ có câu thơ “Lập thệ càn khôn bất thụ ân” (Xin thề trời đất, chẳng mang ơn), ý muốn khoe khoang phong cách đứng đắn của mình vậy. Tôi gửi thư răn ông ta rằng, người ta ở đời, làm sao mà không mang ơn của người khác được; người đời xưa cao thượng như Đào Tiềm chỉ xin có một bữa ăn mà còn báo đáp trong cõi u minh; Đỗ Phủ tự hẹn phải như Tắc, Tiết thế mà cảm ơn Tôn Hạnh giúp đỡ, đến nỗi xin kết nghĩa anh em; Phạm Trọng Yêm là người thế nào mà chỉ vì Yến Công một lần tiến cử mình, bèn trọn đời giữ lễ học trò. Bởi vì, trên hết quý đức, thứ ra cần biết bố thí đền bồi, cái đó thánh nhân không hề kiêng giấu. Như hai câu thơ của Thương Bảo Ý sau đây thì không hề kiêu căng: “Danh tâm vị liễu nan di thế, Vãn cảnh vô đa phạ thụ ân” (Danh lợi còn đeo không thoát tục, Cảnh già chẳng mấy sợ mang ơn). Thơ của Tưởng Thiện Sinh cũng thế, như câu: “Bất thị vi cầm trồ đại huệ, Chỉ sầu vô xứ mịch Kim hoàn” (Phải đâu chim nhỏ từ ơn lớn, Chỉ sợ không nơi kiếm xuyến vàng [1]), hai nhà thơ này đều không giành thân phận mà thân phận càng cao.
[1] Sách “Chí dị” chép: Vu Bảo xưa cứu sống con chim sẻ nhỏ, sau nó ngậm vành vàng đến tạ ơn.
I.29
Phương Vọng Khê sửa chữa văn của tám nhà văn lớn các đời Đường, Tống, Khuất Hối Ông thì chữa thơ Đỗ Phủ, người ta cho là càn rỡ, tôi cho rằng, nếu tám nhà văn lớn và Đỗ Phủ sống lại, tất cũng có chỗ họ cúi đầu suy nghĩ, cho chữa như vậy là đúng, mà cũng có chỗ họ tranh cãi qua lại mà không nghe theo. Tóm lại nếu đem từng câu từng chữ ra mà bới vạch thì dù văn chương của Lục Kinh vẫn có chỗ đáng bàn cãi, cho nên chẳng cần gì hai ông ấy bỏ ruộng mình mà cuốc cỏ ruộng người khác vậy.
I.31
“Nghi vu tập” của Vương Thứ Hồi triều ta là một tập thơ viết về phụ nữ rất hay, tiếc rằng ông ta chỉ có thành tựu về môn thơ ấy thôi, ông Thẩm Quy Ngu chọn lọc thơ bản triều, bỏ ra ngoài, không thèm ghi, sao mà kiến thức hẹp hòi như vậy? Tôi viết thư hỏi vặn ông Thẩm rằng, thơ “Quan Thư” mở đầu “Quốc Phong”, liền nói đến tình trai gái, Khổng Tử bỏ bớt thơ “Kinh Thi”, nhưng vẫn bảo tồn thơ “Trịnh”, “Vệ”, sao riêng ông lại không chọn thơ của Thứ Hồi? Họ Thẩm cũng không biết lấy gì mà trả lời. Lý Phi đời Đường chê thơ của các ông Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị là dâm, diễm, phóng túng, là người có tội với danh giáo, rốt cục, sau ngàn năm, người ta chỉ biết có Nguyên, Bạch, mà không biết có Lý Phi.
I.32
Tôi đùa khắc một con dấu để dùng riêng, trên có câu thơ “Tiền Đường Tô Tiểu thị lương thân” (Tô Tiểu Tiền Đường [1] là người quen). Viên thượng thư nọ qua Kim Lăng, đòi xem tập thơ của tôi, tôi tùy tiện đóng con dấu ấy mà đưa, ông quở trách rất gắt, ban đầu tôi còn xin lỗi, sau ông ta cứ quở mãi, tôi bèn nghiêm sắc mặt mà nói rằng: “Ngài cho con dấu ấy là thối tha ư? Cứ hiện nay mà nói, cố nhiên ngài là quan nhất phẩm, Tô Tiểu Tiểu là hèn mọn, nhưng e rằng, sau trăm năm, người đời chỉ biết có cô Tô Tiểu Tiểu ấy mà không còn biết có có ngài nữa”, cả nhà đều cười.
[1] Tô Tiểu Tiểu là một kỹ nữ nổi tiếng hay thơ đời xưa.
I.34
Sách thi thoại của Tống Dung Đường chê Bạch Cư Dị khi ở Hàng Châu, thơ nhớ kỹ nữ nhiều hơn thơ nhớ dân, đó là một lời bàn kỳ quặc và hủ lậu, thử xem tại sao trong thơ “Quan thư”, vua Văn Vương trằn trọc, vật vã, không nhớ Thái Vương, Vương Quý mà chỉ nhớ thục nữ, Khổng Tử bị kẹt ở Trần, Thái, không nhớ vua nhà Lỗ mà chỉ nhớ bọn học trò?
I.37
Người ta lo làm điều gì đã lâu mà không thành thì ý tứ nhạt dần. Tú tài Hà Thượng Ngu có câu thơ cảm hoài “Thân phi vô dụng bần thiên hạ, Sự đáo nan đồ niệm chuyển bình” (Thân nào vô dụng nghèo nên rảnh, Việc đến khôn lo ý lại yên) thật là một câu nói sau khi đã giác ngộ. Ông ta lại có câu “Bần do mãi tiếu vi thân lụy, Lão thượng đa tình hoặc thọ trưng” (Nghèo còn chơi gái lụy mình thật, Già vẫn đa tình điềm thọ chăng?) và câu “Thư nhân bổ độc tùy thời triển, Thi vị lưu san tận số sao” (Sách bởi đọc bù tùy lúc mở, Thơ dành phần chữa chép không dư), thật là những câu thơ đầy ý nghĩa. Sau khi ông mất, tôi cho người hỏa tốc tới nhà tìm bản thảo, được hơn ba trăm bài bèn đưa in để lưu hành.
I.42
Lục Lỗ Vọng qua thăm nhà cũ của Trương Thừa Cát ở Đan Dương, từng khen rằng “Thừa Cát khéo mô tả cảnh đẹp, cảnh ở chỗ này không thể đặt sang chỗ khác, đó là tài tử bậc nhất”. Tôi rất thích câu nói ấy, từ xưa, văn chương sở dĩ lưu truyền được đến đời nay đều là nhờ có tài tức cảnh, tức tình, như tạo hóa un đúc, động đến là thành màu xuân, cho nên lấy không hết mà dùng không kiệt, nếu không như thế, thì tất cả mọi lời, người xưa đã nói hết, sao các tài tử ở đời Đường, Tống, Nguyên, Minh đưa ra sau đó, đều có thể thành các nhà thơ riêng mà quang cảnh thường mới được? Tức như việc mời một người khách, thiết một bữa yến, mở miệng nói đến đều phải có phân tấc nhất định, sát với người ấy việc ấy, không thể vay mượn tơ tóc, mới là mô tả cảnh đẹp, nếu thơ làm hôm nay, mai cũng dùng được, thơ tặng người này cũng có thể đem tặng người khác, đó tức là loại văn chương sáo, rỗng, cũ kỹ rất mực vậy.
I.43
Tôi mọi khi làm thơ vịnh cổ hay vịnh vật, thế nào cũng lục tìm hết sách vở có liên quan đến đầu bài ấy, nhưng khi thơ làm xong thì không hề dùng một điển nào, tôi thường nói rằng, có điển mà không dùng, cũng như người có quyền thế mà không buông tuồng lạm dụng.
I.44
Bàn tay con gấu, bào thai con báo là thức ăn rất quý, nếu mà ăn tươi, nuốt sống thì không bằng rau, măng; mẫu đơn, thược dược là loại hoa rất đẹp, nếu cắt giấy ra mà làm thì không bằng hoa quỳ, hoa liễu. Vị ăn cho tươi, phong thú phải cho thật, người ta có biết điều đó, sau mới có thể nói đến thơ.
I.45
Ông Ngạc Dung An thích làm thơ, có nhiều câu hay, như thơ “Ngủ trọ chùa” có câu “Sơ địa tương phùng nhân tự cựu, Tiền thân an kiến ngã phi tăng” (Người mới gặp nhau ngờ biết cũ, Kiếp xưa sao biết tớ không [phải là] sư) và thơ khóc vợ có câu “Thương tâm tối thị hoài trung nữ, Thác nhận trường miên tác mạn miên” (Đau lòng gái nhỏ trên tay bế, Mẹ chết ngỡ là tạm ngủ chơi).
Người ta có tự học mới biết mình chưa đầy đủ, cho nên những ai cho mình đầy đủ rồi, đều là người vô học, chả trách gì họ hay khoe khoang. Ngạc Công đề chùa Cam Lộ có câu “Đáo thử dĩ cùng thiên lý mục, Thùy tri tài thượng nhất tằng lâu” (Đến đấy đã nhìn cùng ngàn dặm, Ai hay mới đến một tầng lầu); Phương Tử Vân làm thơ “Ngẫu thành” có câu “Mục trung tự vị không thiên cổ, Hải ngoại thùy tri hữu cửu châu” (Trong mình tự nghĩ hơn ngàn thuở, Ngoài biển ai hay có chín châu).
I.46
Người xưa nói rằng, thơ của Bạch Cư Dị câu nào cũng tỏ ra thoải mái dễ chịu nên tính ông ta hiền hòa dễ dãi, thơ của Vương An Thạch câu nào cũng không thoải mái dễ chịu nên tính ông ta câu nệ trái nết. Tôi cho rằng, cổ văn của Vương An Thạch sát hẳn Hàn Dũ, người đời Tống không ai sánh kịp, còn đối với thơ thì suốt đời ông ta chỉ là người khách ngoài cửa.
I.48
Kỹ nữ nọ có câu thơ tặng biệt “Lâm kỳ kỷ điểm tương tư lệ, Trích hướng thu giai phát hải đường” (Chia tay mấy giọt tương tư lệ, Nhỏ xuống thềm thu nở hải đường), đó là câu nói đa tình, đến như câu thơ tặng kỹ nữ của Trang Tôn Phục “Bằng quân mạc thức tương tư lệ, Lưu trứ minh triêu cánh tống nhân” (Xin nàng chớ gạt tương tư lệ, Dành để ngày mai lại tiễn người) rõ ràng nói toạc ra, nhạt phèo như gặm sáp. Đông Hải Pháp có câu thơ viếng Tỳ Bà đình “Tư Mã thanh sam hà tất thấp, Lưu tương lệ nhãn khốc thương sinh” (Áo xanh Tư Mã cần gì ướt, Để dành nước mắt khóc nhân dân) cũng là loại câu nói làm mất hứng thú.
I.49
Có người điếu viên quan to chết bệnh với đôi câu đối như sau: “Đường thâm nhân bất tri hà bệnh, Thân quý y tranh thí nhất phương” (Nhà kín bệnh gì chẳng ai biết, Thân sang thầy thuốc thử từng phương) thật là nói rõ tình trạng ốm đau của bọn quyền quý.
I.50
Trần Tinh Trai đề bức vẽ có câu “Thu tự mỹ nhân vô ngại sấu, Sơn như hảo hữu bất hiềm đa” (Thu như người đẹp gầy không ngại, Núi tựa bạn hiền nhiều càng hay). Trong bài thơ “Thượng hồ vãn bộ” của ông Trưng Sĩ có câu “Hữu như tác họa tu cầu đạm, Sơn tự luân văn bất kỷ bình” (Bạn như vẽ cảnh cần cho nhạt, Non giống bàn văn chẳng thích bằng), mấy câu trên đều cùng một phong điệu.
I.51
Hồi người Thanh vào đánh chiếm Trung Quốc, thành Giang Âm ra hàng sau cùng, lúc đó trong thành xác chết chồng chất, thối không chịu nổi, có người con gái bị lính Thanh bắt, cô nhảy xuống sông tự vẫn, trước đó, cô cắn ngón tay lấy máu đề câu thơ rằng: “Ký ngữ lộ nhân hưu yểm tị, Hoạt nhân bất cập tử nhân hương” (Nhắn khách đi đường đừng bịt mũi, Người sống không bằng người chết thơm).
II.3
Đỗ Phủ có nói, nhiều người làm thầy của ta, không phải chọn người đáng làm thầy mà học họ đâu, dù cho một câu, một tiếng của các em thôn quê hay các em chăn trâu đều là thầy của chúng ta, nếu ta khéo nhặt lấy thì đều thành câu thơ hay. Người gánh phân trong Tùy Viên, một hôm về tháng mười, anh ta ngồi dưới gốc mai bỗng vui mừng mà nói rằng, cây mai mọc hoa đầy thân rồi, do đó, tôi có câu thơ “Nguyệt ánh trúc thành thiên cá tự, Sương cao mai dựng nhất thân hoa” (Trăng dọi trúc thành ngàn con chữ, Sương cao mai nở một thân hoa). Một hôm tôi đi xa, có nhà sư thông dã tới tiễn đưa mà nói, tiếc thay hoa mai trong vườn nở rộ mà ông không mang đi được. Nhân đó tôi có câu thơ “Chỉ liên hương tuyết mai thiên thụ, Bất đắc tùy thân đái thượng thuyền” (Tiếc thay thơm tuyết mai ngàn gốc, Không thể mang theo lên thuyền được).
II.4
Hễ các tác phẩm của người xưa đã thất truyền thì người sau làm bù vào đều không thể hay, là vì tính tình bị câu thúc vậy [1]. Như tác phẩm còn đó mà người sau đọc thấy âm điệu chẳng ra làm sao [2].
[1] Bản Uông – Đường dịch là “… nguyên do đều vì tính tình không giống với người xưa”
[2] Bản Uông – Đường dịch là “Tác phẩm của họ còn đó mà người sau rất ít tiếp thu chúng”
II.6
Trương Duyệt đời Đường cho thơ của Diêm Triều Ẩn như người ăn mặc lòe loẹt, tránh sao khỏi làm người có tội với Phong Nhã. Vương An Thạch nhân đó làm ra lời “Tự thuyết” trong có câu “Thơ là tự ngôn vậy [1], tự là chỗ ở của chín quan khanh, không phải là lời nói lễ phép thì không nên vào, cho nên Khổng Tử nói là “tư vô tà” (nghĩ không lệch)”. Gần đây có viên thái sử nọ kính cẩn giữ lời nói ấy, bạ đâu cũng nói là xem thơ có thể biết phẩm cách của con người. Tôi bèn đọc lại thơ tặng gái điếm của ông Lý Văn Chính cho nghe như sau: “Tiện khiên hồn mộng tàng kim nhật, Tái đổ thuyền quyên thị kỷ thời” (Vấn vương hồn mộng từ nay nhỉ, Gặp lại thuyền quyên ấy lúc nào?). Lời thơ thật là tình sâu một mạch, do cõi lòng phát ra, mà ông Văn Chính là một vị công thần mở nước, có hại gì đến phẩm cách con người đâu. Thiên “Hàm thần vụ” trong “Hiếu kinh” nói rằng: Thơ là “trì” (giữ gìn) vậy, bảo trì tính tình để khỏi mất đi, ý này có phần đúng hơn ý của Vương An Thạch.
[1] “Tự ngôn” hợp lại thành chữ “thi”. “Tự” lại có nghĩa là cơ quan của nhà nước, như Đại lý tự chẳng hạn.
II.7
Lưu Chiêu Võ nói rằng, một bài thơ ngũ ngôn luật (gồm tám câu), cả bốn mươi chữ phải như bốn chục người hiền, trong đó vướng phải một chú lái buôn thịt là không được. Tôi thường dạy các thiếu niên học thơ nên bắt đầu từ loại thơ ngũ ngôn luật, thì trên có thể với tới thơ cổ phong, dưới có thể tiếp liền thơ thất luật.
II.15
Chữa thơ khó hơn làm thơ, sao vậy? Là vì lúc làm thơ, ý hứng phát sinh trong đầu óc, dễ dàng mà làm nên bài, còn khi chữa thơ thì ý hứng đã qua rồi, đại cục đã xong rồi, chỉ còn một vài chữ trong lòng áy náy, dùng hết muôn vàn khí lực mà thay đổi cũng không xong, có khi, sau một vài tháng, trong khi không cố ý lại tìm được chữ hay, đúng như Lưu Ngạn Hòa nói: “Giàu với ngàn bài, quẫn vì một chữ”, thật là câu nói “ngọt bùi từng trải”. Tuân Tử nói rằng: “Có người làm mất cái kim, tìm mãi không được, bỗng dưng lại được, không phải mắt có sáng thêm, “mâu” mà được vậy”. Chữ “mâu” ở đây, có nghĩa là ngẫu nhiên liếc đúng chỗ vậy. Thơ Đường có câu “Tận nhật mịch bất đắc, Hữu thời hoàn tự lai” (Suốt ngày tìm không được, Có lúc nọ tự đến) ý nói “mâu” (liếc) mà được vậy.
II.17
Ông Doãn Văn Đoan bàn thơ rất tinh tế, có nêu lên thuyết “sai nửa chữ”, như thơ Đường có câu “Dạ cầm tri dục vũ, Vãn đạm giác tân thu” (Đàn đêm biết muốn mưa, Chiếu chiều thấy thu mới), hai chữ “thu mới” là từ hiện thành, còn hai chữ “muốn mưa” thì lấy chữ “muốn” để đề lên chữ “mưa” không phải là từ hiện thành, thế là sai nhau nửa chữ. Do loại ấy mà suy rộng ra thì có nhiều nhà thơ nổi tiếng cũng phạm phải bệnh ấy, như hai câu thơ trên thì phải đổi câu sau làm “Vãn đạm cáp nghi thu” (Chiếu chiều vừa hợp thu), dùng chữ “nghi” mới đối được với chữ “dục”.
II.22
Khoảng năm Khang Hy, Tào Luyện Đình làm ở xưởng chế tạo Giang Minh, mỗi lúc đi xe ra vào nhất định đều cầm một quyển sách để xem, người ta hỏi ông sao ham học quá, ông nói: “Không phải thế đâu, tôi không phải là quan địa phương, mà nhân dân trông thấy tôi thế nào cũng đứng dậy, lòng tôi áy náy nên vờ làm như thế để che mắt mà thôi.” Ông vốn bất hòa với viên thái thú Giang Minh là Trần Bằng Niên, lúc Trần bị tội, ông lại dâng tờ sớ bí mật tiến cử Trần, vì thế được người ta trọng. Con của ông là Tào Tuyết Cần soạn bộ sách “Hồng Lâu Mộng”, chép đủ cảnh phong nguyệt phồn hoa, trong có cái vườn Đại quan tức là Tùy Viên của tôi. Lúc đó có cô gái hồng lâu (gái điếm hạng sang) rất đẹp, Tuyết Cần tặng bài thơ rằng: “Bệnh dung tiều tụy thắng đào hoa, Ngọ hạn triều hồi nhiệt chuyển gia, Do khủng ý trung nhân khán xuất, Cưỡng ngôn kim nhật hiệu sai ta” (Dung nhan tiều tụy quá hoa đào, Trưa sốt quay về nóng trở cao, Còn sợ người yêu nhìn thấy rõ, Gượng rằng nay đã bớt phần nào). Và bài nữa: “Uy nghi đệ đệ nhược xuất ba, Ứng bả phong lưu đoạt ỷ la, Bất tự tiểu gia câu thúc thái, Tiếu thời thiên thiểu mặc thời đa” (Uy nghi nhàn nhã nước sinh hoa, Hẳn lấy phong lưu thể lụa là, Khác bọn tiểu gia vẻ câu thúc, Cười thì có ít lặng thì nhiều).
II.24
Trước đây tôi đọc bài thơ vịnh núi Tiểu Cô của tú tài Tôn Thiều rằng: “Giang tâm đột ngột túng cô loan, Phiếu diểu hoàn nghi nguyệt lý khan, Tuyệt tự lăng vân nhất chi bút, Dạ thâm hoành tháp thủy tinh bàn” (Lòng sông đột ngột dựng non cô, Thấp thoáng ngờ xem giữa nguyệt mờ, Giống đứt ngất trời một cây bút, Đêm khuya mâm ngọc cắm ngang vô), sau đi ngang núi ấy, mới biết câu thơ ấy thật là hay.
Ngoài lề: ỏ.õ Không hiểu sao mình thấy câu “Tuyệt tự lăng vân nhất chi bút” dịch thành “Giống đứt ngất trời một cây bút” hơi ba trấm, hỏi Nguyên Vi hắn bảo “nghĩa là giống như một cây bút chọc vỡ mây”, còn tìm giúp mình câu nguyên văn “绝似凌云一枝笔”, đa tạ tiểu bảo bối :”)
Nhân tiện, nhờ bảo bối tìm và dịch nghĩa luôn cả bốn câu  ”江心突兀耸孤峦, 飘渺还疑月里看, 绝似凌云一枝笔, 夜深横插水晶盘” (giữa lòng sông đột ngột dựng đứng một ngọn núi lẻ, ẩn hiện còn ngỡ rằng trông thấy giữa bóng trăng, (núi) trông giống như một ngọn bút chọc vào mây, đêm khuya tựa như cắm xuyên qua một cái mâm bằng thủy tinh), đa tạp tập hai X”)
II.28
Lưu Tăng đọc “Văn tuyển” bên đèn, mệt nằm ngủ quên, mơ màng thấy một người ăn bận áo mão đời xưa nói với ông ta rằng: “Văn các đời Ngụy, Tấn là thơ trong văn, thơ các đời Tống, Nguyên là văn trong thơ”. Tỉnh dậy nói lại với tôi, tôi nói, luận điểm của tôi vốn là như thế.
II.36
Mao Tây Hà chọn thơ hay của giới phụ nữ, mà bỏ sót thơ của cô gái Sơn Âm, tên là Vương Đoan Thục, Vương gửi cho ông ta câu thơ “Vương Tường vị tất vô nhan sắc, Tranh nại Mao quân bút hạ hà” (Vương Tường vị tất không phải đẹp, Dưới bút ông Mao [1] biết tính sao?), một bên là giấu tên mình, một bên là ám chỉ Mao Tây Hà.
[1] Mao Diên Thọ đời Hán vẽ xấu nàng Vương Tường (Vương Chiêu Quân) để nàng bị gả cho chúa Hồ, đây mượn để chỉ Mao Tây Hà.
II.39
Về cổ văn, triều Thanh có Phương Vọng Khê, cũng như về thơ có Vương Nguyễn Đình, đều là dòng chính trong một triều đại mà tài lực có phần mỏng manh, người cận đại mà suy tôn hai ông ấy, thế nào thơ văn cũng yếu, trái lại, nếu ai chê bai hai ông ấy, thế nào thơ văn cũng thô, đúng như người ta hay nói: “Nịnh Phật là ngu, mà bài trừ Phật là viển vông”.
II.41
Làm người không thể không phân biệt giữa nhu mì và nhu nhược, giữa cương cường và cường bạo, giữa kiệm ước và biển lận, giữa trung hậu và hôn ngu, giữa sáng suốt và khắc bạc, giữa tự trọng và tự đại, giữa tự khiêm và tự tiện, mấy cái đó hình như giống nhau mà thực khác nhau; còn làm thơ thì không thể không phân biệt giữa bình đạm và khô khan, giữa tân kỳ và tiêm xảo, giữa mộc mạc và vụng về, giữa cường kiện và thô bạo, giữa hoa lệ và khinh phù, giữa thanh tú và mỏng manh, giữa trọng hậu và cứng đờ, giữa tung hoành và tạp loạn, mấy cái đó hình như giống nhau mà kỳ thực khác nhau, sai một ly đi một dặm.
III.1
Tôi thường nói với người ta rằng, tài thì muốn cho lớn, chí thì muốn cho nhỏ. Tài lớn thì làm việc thừa sức, chí nhỏ thì muốn gì đều thỏa mãn. Khổng Dung chí lớn tài sơ rốt cục bị nạn, Bính Man Dung không chịu làm quan bổng quá sáu trăm thạch, thành ra suốt đời an nhàn, Đổng Nhị Thụ có câu thơ “Sở dục bất cầu đại, Đắc hoan thường hữu dư” (Cái muốn không cầu lớn, Được vui thường có thừa), thật là câu nói thấu đáo.
III.2
Dụng binh là việc nguy mà Triệu Quát nói một cách dễ dàng, cho nên mới thua trận, làm thơ là việc khó mà Lý Lão nói một cách dễ dàng, cho nên thơ ông quê mùa. Đường Tử Tây nói rằng: “Thơ mới làm xong chưa thấy chỗ nào đáng chê, tạm để đấy, ngày mai lấy ra đọc thì thấy sai phạm lung tung, bèn sửa chữa mãi, cách vài hôm đem ra xem, lại thấy sai phạm, lại sửa chữa thêm, như vậy đến vài bốn lần mới dám đem ra cho người khác xem.” Mấy câu này đúng là người biết khó mà dùng sức sâu sắc. Nhưng cũng có lúc, một khi cơ trời đã đến thì nhất thiết không thể chữa nữa. Trong bài “Tục thi phẩm” của tôi có câu “Tri nhất trùng phi, tiến nhất trùng cảnh, Diệc hữu sinh kim, nhất chú nhi định” (Biết một lần sai, tiến lên một trùng, Cũng có vàng sống, một đúc là xong).
III.3
Có người hỏi tôi rằng, thơ triều ta ai là đệ nhất? Tôi hỏi vặn trở lại rằng, ba trăm bài thơ ở “Kinh thi”, anh cho bài nào là đệ nhất? Anh ta không trả lời được. Tôi bèn giải thích cho anh hiểu rằng, thơ cũng như hoa cỏ trời sinh, xuân lan thu cúc đều tốt về từng mùa, không cho phép người ta xem bên nào hơn, bên nào kém; bài nào mà âm luật, phong phú rung động lòng người, mắt người, tức là thơ hay, chẳng có gì gọi là đệ nhất, đệ nhị; nhưng cũng có bài do ở chỗ đặc biệt thành công mà bàn, như câu thơ “Bất sầu minh nguyệt tận, Tự hữu dạ châu lai” (Sầu gì minh nguyệt hết, Đã có dạ châu sang), người ta hay nói thơ Dương Nhữ Sĩ áp đảo Nguyên Bạch là thế; cũng có khi tóm cả toàn cục mà bàn, như nhà Đường thì lấy họ Lý, họ Đỗ, họ Hàn, họ Bạch làm nhà thơ lớn, nhà Tống thì lấy họ Âu, họ Tô, họ Lục, họ Phạm làm nhà thơ lớn. Nếu nhất thiết chỉ lấy một người để trùm lên cả một triều đại thì như hoa mẫu đơn được gọi là vua hoa, mà hoa lan cũng cũng được gọi là hương của vua, đối với cỏ cây còn không thể cho loại nào là đệ nhất, huống gì là thơ.
III.7
Vương Thủ Nhân đời Minh nói rằng: “Đối với thơ văn của người ta, trước hết phải lấy ý chân thực, như trẻ con rủ đôi bím tóc mà vái chào, tự nhiên thấy đẹp, nếu mang mặt nạ đeo râu vào, làm bộ lom khom thì sẽ khiến cho người ta đâm ghét.”
Cố Ninh Nhân viết thư cho tôi, có đoạn nói: “Thơ văn của túc hạ không phải không hay, khốn nỗi lúc hạ bút cứ để một họ Đỗ, một họ Hàn ở trong lòng, không sao làm ngơ đi được, vì thế mà thơ văn không đến vậy.”
III.8
Vương Mạnh Lân nói rằng: “Gia số trong làng thơ cũng như nha môn trong quan trường, nói về nha môn, nha môn tổng đốc là lớn, nha môn điển sử là nhỏ, nhưng nếu đem người gánh nước ở nha tổng đốc mà so với viên điển sử ở nha điển sử thì thà làm điển sử chứ không ai làm người gánh nước, sao vậy? Là vì điển sử tuy nhỏ vẫn là chức quan triều đình, còn như nha môn của người gánh nước kia tuy tôn quý mà chẳng liên quan gì đến anh ta, cũng như người đời nay học thơ Đỗ, Hàn không thành công mà vẫn hơn hớn cho mình thuộc loại đại gia, chẳng qua chỉ là người gánh nước trong nha môn tổng đốc mà thôi.”
Diệp Hoành Sơn nói rằng: “Những người thích mô phỏng thơ của người xưa, nếu bắt chước mà giống thì như áo mão của bọn phường tuồng, bắt chước mà không giống thì như vẽ cọp giống chó, đi mượn hơi hám của người ta để rồi huênh hoang lên mặt, chi bằng cam làm chức thiên tỳ (võ biền nhỏ) mà tự nắm một đội quân!”
III.9
Loại thơ cận thể của Tô Đông Pha ít công phu un đúc rèn luyện cho nên lời hết mà ý cũng hết, tuyệt nhiên không có âm vị gì ở ngoài lời thơ cả, Nguyễn Sĩ Trinh cho là loại thơ ấy không phải là môn sở trường của Tô Đông Pha, người sau không nên bắt chước, lời nói ấy là đúng. Nhưng Mao Tây Hà lại chê bai quá đáng. Có người đọc câu thơ “Xuân giang thủy noãn áp tiên tri” (Sông xuân nước ấm vịt biết trước) của Tô Đông Pha, cho rằng đó là câu thơ hay trong loại thơ cận thể của ông, Tây Hà gạt đi mà rằng: “Thế thì sông xuân nước ấm chỉ có vịt biết mà ngỗng không biết hay sao?” Câu nói này thật là hồ đồ quá. Nếu theo cách ấy mà bàn thơ thì cả ba trăm bài thơ “Kinh thi”, câu nào cũng sai cả. Như câu “Tại hà chi châu” (ở trên bãi sông) thì các loại chim minh cưu, ban cưu đều ở đó được, hà tất phải là chim thư cưu! Câu “chỉ vu khâu ngu” (đậu ở góc đồi) thì các loại chim trắng, chim đen đều đậu được cả, hà tất phải nói chim vàng?
III.14
Tôi rất thích lời bàn về thơ của Chu Lịch Đình như sau: Thơ để nói lên mối tình của ta, cho nên ta muốn làm thì làm, không muốn làm thì thôi, chứ không hề có ai miễn cưỡng đốc thúc, bắt ta nhất định phải làm cả. Vì thế ba trăm bài thơ trong “Kinh thi” nói ra đúng như lòng mình, không ghi họ tên, không để ý gì đến việc truyền thơ, cũng không có ý gì về việc người sau truyền lại thơ mình, ôi, sở dĩ thơ rất hay là nhờ đấy chăng? Người đời nay muốn mượn điều làm thơ để tỏ ra học rộng và đua đòi thanh danh là lầm vậy.
III.36
Thơ tuy kỳ vĩ mà không rèn luyện tinh tế thì cũng là tài thô kệch, thơ tuy cao cả mà không mở mang khai thác thì khuôn khổ cũng chật hẹp. Người có tài, khi phóng ra thì đầy sáu cõi, khi thu lại thì trong gang tấc, gươm lớn sát trời, kim vàng thêu thùa, chỉ là một vậy. Gia Cát ở nhà gianh, đi cày ruộng, bỗng cầm quân sáu lần xuất chinh, Hàn Thế Trung thủ tướng đời trung hưng, lại có khả năng dạo chơi Tây Hồ. Thánh nhân lúc đắc dụng thì ra làm, lúc bị bỏ rơi thì về nghỉ, có thể co, có thể duỗi, thơ cũng như thế. Người ta nói, về nghề viết chữ, Khổng Bắc Hải như voi không bằng Vương Hữu Quân như rồng, cũng là ý ấy. Tôi thường răn Tưởng Tâm Dư rằng: “Khí của anh át cả chín châu, nhưng làm to thì được làm nhỏ không được, phóng ra thì được thu vào không được, cứng rắn thì được mà không biết kế thừa”. Tâm Dư rất phục và nói “Hôm nay tôi mới được người thầy chân chính”.
III.68
Hoàng Tử Vân ở Tô Châu, biệt hiệu Dã Hồng, tuy là người dân thường nhưng có tài làm thơ, có viên trung thừa nọ muốn gặp, ông ta không ưng, đề câu thơ rằng: “Không cốc y quan phi dị cấu, Dã nhân môn hạng bất khinh khai” (Áo mão rừng hoang không dễ thấy, Cửa nhà thôn dã nào dễ mở). Có hôm khách đến, ông mổ gà làm cơm mời ăn và giữ lại ngủ đêm, cha con ông đọc sách suốt đêm, khách khen là ham học, ông nói “Đâu phải, cha con tôi chỉ có cái chăn, nhường để đãi khách, chẳng biết ngủ ra sao, bèn tạm đọc sách đó thôi.”
IV.29
Thơ quý đạm, nhã, mà cũng không nên có mùi thôn dã, sao vậy? Là vì những người hay thơ đời xưa như Ứng, Lưu, Bào, Tạ, Lý, Đỗ, Hàn, Tô đều là quan chức, không phải người thôn dã. Người quân tử đọc vỡ muôn quyển cũng phải lên miếu đường, xem núi sông, giao du với người giỏi trong bốn biển, sau đó, khí cục và kiến giải tự nhiên rộng lớn, lại có bạn tốt giũa mài, tự nhiên tinh thông tiến bộ, nếu không chỉ khăng khăng vui với chim hót trùng ngâm, tuy cũng có chỗ hay nhưng khuôn khổ cố nhiên chật hẹp, trong bài “Diêm thiết luận” của Hoàn Khoan có câu “Nhà nho quê mùa không bằng kẻ học trò nơi phố thị” quả đúng là vậy.
IV.42
Người đời nay hễ bàn đến thơ thì cứ quý hậu (dày) mà khinh bạc (mỏng), đó cũng chỉ là lời nói “nghe rằng”, không biết rằng nên hậu hay nên bạc đều nhìn vào chỗ có tốt hay không mà định. Nói về hai vật thì da hồ quý hậu, lụa là quý bạc; nói về một vật thì sống dao quý hậu, lưỡi dao quý bạc; phải đâu hậu nhất định phải quý mà bạc nhất định phải khinh. Nói về thơ của cổ nhân, thơ Đỗ Phủ dường như hậu, thơ Lý Bạch dường như bạc, thơ Lý Nghĩa Sơn dường như hậu, thơ Ôn Phi Khanh dường như bạc, mà họ đều là nhà thơ nổi tiếng cả. Cũng như bàn về cách giao du, người ta hay nói người sâu sắc khó giao du, không biết rằng người nông cạn cũng khó giao du.
IV.47
Làm thơ mà tự mình chú thích xuất xứ, người xưa không hề làm. Trong bài chê Nguyên Chẩn chua bài bia ở quán Đồng Bách, Âu Dương Tu đã nói tường tận rồi, phương chi, làm thơ mà phải chờ chú thích đã không phải loại thơ hay. Ông Hàn Môn làm bài thơ “Văn yên” (Xông muỗi) gồm 12 vần mà chú thích đến 8 hàng, đó là văn sách nói về muỗi chứ không phải là thơ muỗi. Nhưng ông ta có bài thơ “Vịnh tơ liễu”, trong đó có câu “Thán tức xuân phong cánh hà ý, Đoàn nhu vô xứ bất thành miên” (Than thở gió xuân sao lại thế, Vo tròn đâu cũng trở thành bông), lời thật thanh diệu.
IV.53
Có người hỏi rằng, bảy thi gia đời Minh mô phỏng thơ Đường, Vương Nguyễn Đình cũng mô phỏng thơ Đường, nhiều người thích thơ Nguyễn Đình mà ít ai thích thơ của bảy thi gia kia, là tại làm sao? Tôi nói: “Bảy thi gia đời Minh hay khua chuông gõ trống, hát lên những âm điệu cung thương, lớn lao, dễ bị người ta chán, còn Nguyễn Đình thì khéo gảy đờn thổi sáo, hát lên điệu trưng, giốc nhẹ nhàng, dễ lọt tai người nghe. Nhưng trong bảy thi gia đời Minh, có người như Lý Không Đồng, tuy không có tính tình mà có khí phách, còn Nguyễn Đình thì cả tính tình lẫn khí phách đều kém, vì thế chỉ có thể làm cho lớp người hạng vừa ưa thích mà không lung lạc được hạng người thượng trí.”
IV.54
Gần đây, nhiều người truyền nhau tập “Phả thanh điệu” nói rằng do Vương Nguyễn Đình truyền lại, những người làm thơ thất ngôn cổ phong đều thờ làm bản sách bí ẩn, tôi xem qua, bất giác buồn cười. Thơ là nguyên âm của trời đất, có nhất định mà lại không nhất định, khi nào vừa đúng chỗ hay thì tự nó thành ra âm tiết, chỗ vi diệu trong đó, miệng không thể nói ra, thử xem như các loại thơ “Quốc phong”, “Nhã”, “Tụng”, “Ly tao”, “Nhạc phủ”, đều có thanh điệu mà không thể điền theo phả nào, trong loại thơ thất ngôn cổ phong của các ông Đỗ Phủ, Vương Duy, bằng trắc điều hòa cũng có bài như thơ thất ngôn Đường luật, thơ Hàn Dũ có bài bảy vần đều bằng, hoặc bảy vần đều trắc, Nguyễn Đình làm thế nào mà buộc họ vào cái lệ “bốn trắc, ba bằng” được! Nếu nhất định phải theo phả khúc mà sắp xếp thì cái phong cách “tứ thủy lục nghĩa” mất hết còn gì! Chính vì thế mà loại thơ thất ngôn cổ phong của Nguyễn Đình cũng như Bá Cơ [1] xưa không dám chuyển dời một bước.
[1] Bá Cơ người đời Xuân thu, vợ vua nước Tống, thờ chồng trực tiết, một hôm bị hỏa hoạn, vì vắng mặt bảo mẫu, không dám dời đi, bèn bị chết cháy
IV.56
Thơ tuy là nghề mọn, nhưng cũng phải học tập từ khi thơ ấu, bắt đầu học, phải trên từ Hán Ngụy, Lục triều, dưới đến Tam Đường, Lưỡng Tống, tự nhiên nguồn dòng nắm được, mạch lạc phân minh, còn sĩ phu đời nay thì đã bỏ hết tinh thần vào loại văn bát cổ rồi, sau khi làm quan mới mến tiếng thơ mà cố gắng học, lại mến tiếng các nhà thơ lớn mà bó hẹp phạm vi học lại, do đó, thơ Tống chỉ học Tô, Hoàng, thơ Đường chỉ học Hàn, Đỗ, ngoài ra đều không học đến, phải biết rằng, bốn nhà thơ ấy có phải người học cạn bắt chước được đâu! Vì thế, chỉ học được bề ngoài, khoe mình là cao cả, trọn đời noi theo, mà không biết đạo làm thơ là như thế nào. “Kinh thư” có câu: “Đức không có thầy thường, nhằm vào điều thiện để làm thầy.” Tử Cống có câu: “Phu Tử không gì không học, nhưng có thầy nhất định đâu”, đó là mấu chốt trong việc làm thơ vậy. Đào Hoàng Thôn nói rằng: “Lời nói của tiên sinh cố nhiên là phải, nhưng cũng phải nhìn đến tính chất trời cho như thế nào, người có tính chất gần gũi với thơ, dù trung niên rồi mới học cũng có thể trở thành nhà thơ nổi tiếng, người mà tính chất xa với thơ, thì dầu có học tập từ lúc thơ ấu cũng vô ích, mài sắt có thể nên kim, chứ mài gạch thì không bao giờ có thể nên kim được.”

2 nhận xét:

Cô Nhỏ nói...

Dài quá, để đọc sau, hiiiiii.

Thủy Nguyệt lãn ông nói...

Chép để đó, lâu lâu đọc tý thôi :)