Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Doaa Eladl

Vào nhà nữ hoạ sĩ này từ nhà bạn Quỳnh Vy.

Nữ hoạ sĩ Ai cập. Ai cập những ngày này ...




Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Thơ

Đọc mật thư, gặp lại bạn cũ, giờ mới biết tên:

hai đứa trẻ

kệ bao luồng chuyện ngược xuôi
bình tâm bằng cách đếm ruồi trên mâm
một câu hỏi bỗng đâm sầm
trả lời xong lại đếm nhầm rồi đây
bắt đền ông đấy ông tây
tự nhiên khều hỏi: are they called "ruồi"?


Nhớ luôn một bạn khác cùng tác giả, hình như đã từng được bình luận trên một tờ báo nào đó:

Tôi gọi một-không-tám-không
- Chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?
Chị tổng đài rất nhu mì
- À, nhiều màu lắm, vặt đi vẫn nhiều
Hình như là em đang yêu?
- Không, em chỉ hỏi những điều hồn nhiên
- Hình như là em đang điên?
- Vâng, chả điên mà lại tốn tiền hỏi han
Xong xuôi hết bốn chục ngàn.

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Liên Xô không có sex

http://laodong.com.vn/Su-kien-binh-luan/Ngam-tu-nhung-vong-mot-tha-rong/133103.bld

và chuyện này thật lạ:

http://www.procontra.asia/?p=2903

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

mật thư

nguyễn thế hoàng linh


mỹ nữ đại nhân

xin chào mỹ nữ đại nhân
tiểu nhân hí hửng phân vân điều này
lấy buồn ngày trừ vui ngày
thì ra kết quả dở hay thế nào
trượng phu ngốc nghếch biết bao
lại đây em bảo
làm sao phải buồn

13.08.06



và không lớn nữa

tuyệt vọng của anh lên ba
và không lớn nữa nếu mà em vui

28.12.05



wen wá

từ "rồi" cũng đã đi rùi
nhưng trong em vẫn còn mùi lá chanh
bóc bao thao tác rất nhanh
chợt em chững lại hỏi anh: "mùi j` ..."

01.03.11



qua

dỗ ngủ nằm đếm xe qua
con đường nhỏ đã nghìn ba lượt rồi
nếu đường kia là thân tôi
xe là gái nhỉ
bò rồi nghiến qua
người bảo mộng ước xa hoa
kẻ kêu ác mộng
còn ta ngủ rồi

7.7.09



làm sao yêu lại

làm sao yêu lại cuộc đời
em không đáp
lấy môi mời
ghét ghê

29.8.06





không hề có tiếng trẻ thơ
lẫn vào trong tiếng động cơ phố phường
bình thường hoá bất bình thường
sẽ hư vô hoá con đường khô khan
hãy vui khi bạn bất an
bởi vì cảm xúc chưa han gỉ

16.11.06



thời bình

cùng nhau qua đoạn tắc đường
xong không ai nhớ đã dường cùng nhau
vượt qua một quãng khổ đau
phải chăng vì thế hôm sau tắc đường
---
chen nhau qua đoạn tắc đường
xong không ai nhớ đã dường chen nhau
tạo nên một quãng khổ đau
phải chăng vì thế hôm sau tắc đường

30.05.09




Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Priam pleads with Achilles for Hector's body



(Việc nhiều như quân Nguyên mà chán như con gián. Đọc lang thang thấy cái này đẹp quá nên cọp lại lưu vào đây. Vua Priam đến lều của Achilles xin được đem xác con trai là Hector về chôn cất.)

Thư giãn

(Chuyện ít người biết  ̶  nhưng hoàn toàn có thật  ̶  theo UberFacts):
  • Số lông của con người và của con vượn là bằng nhau.
  • Ở Ai Cập, diễn viên không được phép ra toà làm chứng vì họ bị xem là những người nói dối chuyên nghiệp.
  • Lượng vitamin C trong tinh trùng đàn ông bằng với lượng vitamin C trong một quả cam.

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Hoàng Đạo - Một gia đình

Độ ấy, tôi hay đi chơi tối. Sau bữa cơm chiều, tôi đứng hóng mát ngoài hiên một lát, rồi đi bách bộ về phía chợ Hôm. Nhà tôi ở một ngõ hẻo lánh gần bờ sông, phải đi qua những phố rộng, lặng lẽ và tối tăm dưới những vòm lá cây đen sẫm. Từng quãng, một ngọn đèn điện nhỏ, lắc lư như người say rượu, lay động một vùng sáng lờ mờ vàng. Tôi lặng yên bước, nghe tiếng gót giày vang lên trong đêm vắng. Thỉnh thoảng ngước mắt lên nhìn qua kẽ lá, một miếng trời xám hay vài ngôi sao ánh sáng trong và mát. Thong thả, tôi đi vào bóng tối, trong lòng bình tĩnh như vào nhà một người bạn. Đêm ở Hà thành dịu dàng, thân mật khác hẳn với những đêm âm thầm, mênh mang đầy sự kinh hoảng của thôn quê.

Ra đến phố Huế, tôi có cái cảm tưởng vào một thế giới khác, rộn rịp, đầy ánh sáng. Tiếng người ồn ào, lẫn với tiếng xe cộ, tiếng rao hàng. Bóng người đi lại. Trước gian hàng sáng trưng, một đám người ngồi nói chuyện hay một bọn trẻ con nô giỡn. Những cảnh tượng ấy tôi đã quen lắm, nhưng mỗi lần tôi lại thấy trong lòng đầm ấm hơn lên. Sự cô tịch, dầu êm ái bao nhiêu, cũng vẫn giấu chút hương buồn. Và bỗng dời sự quạnh quẽ đến một nơi đông đảo, sáng sủa, lòng người tự nhiên vui vẻ lên, sung sướng hơn, như sống lại cái cảm giác xa xôi của ông cha đời thái cổ trước ánh lửa trại.

Những lúc ấy, sự vui vẻ ngọt ngào hơn, nếu ta được nghe những giọng điệu du dương của cung đàn tiếng hát. Có lẽ vì thế mà không bao giờ tôi quên được vợ chồng nhà chị Tạc. Tôi không biết chị ở đâu, nhưng cứ vài ba hôm, vợ chồng chị lại đến ngồi ở góc đường hát xẩm. Chồng kéo nhị hay gảy đàn bầu, vợ hát. Thằng cu con, độ sáu bảy tuổi, nhem nhuốc, cái áo cánh nâu rách ngắn, để hở rốn, ngồi nghịch cái chậu thau đã han rỉ, dùng để đựng tiền.

Lần đầu tôi gặp cái gia đình nhỏ ấy là một buổi tối oi bức. Không một ngọn gió. Hơi nóng hấp ở đất xông lên, nồng nực, đầy cát bụi. Tôi sắp sửa gọi xe để đi tìm ít gió mát ở nơi khác, bỗng ngay đầu phố cất lên tiếng hát của chị Tạc, trong vắt như nước suối, ngân nga, gợi lên một cảm giác mát và nhẹ nhàng. Tiếng đàn bầu họa theo, vang lên những tiếng khóc trong. Lũ trẻ con đương chơi bóng trên hè dừng lại. Một đứa kêu lên:
- A! Xẩm. Lại nghe đi.

Chúng chạy xô ra đầu phố, rồi đứa đứng đứa ngồi, ngây ra nhìn và nghe. Mấy người hóng mát ở gần đấy, dừng câu chuyện ngồi lặng yên lắng tai. Mọi người đều quên cả nóng bức. Tiếng hát mỗi lúc một cao, người đến xem mỗi lúc một đông.

Chị Tạc giở đủ giọng, chị đi từ giọng Bắc, nhanh nhẹn, lưu loát, sang giọng Nam, chứa đầy nỗi buồn mênh mang. Toàn những âm điệu hồn nhiên, rung động lòng người, đưa tâm hồn đến những thế giới hồn nhiên xa xăm, đầy thơ, đầy mộng, đầy hương thơm. Chốc chốc chị ngừng hát, nhưng trong yên lặng, dư âm của lời ca vẫn còn xao xuyến trên dây đàn của linh hồn. Giọng trong trẻo của chị Tạc bắt theo điệu đàn trong khiến tôi mê mẩn tâm linh như hòa hợp với những thời ký vãng mung lung. Tôi sống lại cả một thời thơ ấu, đương ẩn náu trong nơi vô giác của tâm tình: tôi say sưa hưởng hết cả hương vị của những tiền kiếp nào, xa xôi, mịt mù, và trùm qua ký ức ấy, một tình cảm nhớ thương không bờ bến.

Từ hôm ấy, không mấy ngày tôi không đến nghe vợ chồng chị Tạc. Thằng cu con đã quen mặt, thấy tôi là nó cười, bỏ chiếc chậu thau chạy lại. Có khi tôi đưa nó một xu, một trinh nhưng thường thường tôi mua cho nó một chiếc kẹo. Nó thích lắm, giựt lấy rồi vội vàng chạy về chỗ, cắn, nhai cả cái giấy bọc. Vợ chồng chị Tạc biết tính tôi, thi nhau khoe tài, chồng nắn nót từng tiếng đàn, vợ cất giọng thật trong theo những điệu tôi chưa từng nghe. Những điệu ấy, chị Tạc hình như quen lắm. Tôi thấy, lúc chị dễ dàng hát thay đổi những bài chị đã thuộc, mặt chị khác hẳn đi. Mắt chị ngày thường lờ đờ, bỗng sáng hẳn lên, khuôn mặt trái xoan răn reo quá sớm như trẻ lại. Tôi sực nhớ đến câu bình phẩm mà tôi đã được nghe một buổi chiều nào:
- Nhà chị xẩm này hình như ngày xưa đi hát chèo thì phải!

Có lẽ chỉ là một câu đoán phỏng của một người nghe thấy chị Tạc hay ca giọng chèo, nhưng tôi không thể đừng nghĩ ngợi bâng khuâng. Lắm khi, ngồi nghe chị, tâm trí tôi vẩn vơ trôi theo dòng tưởng tượng. Chị Tạc là một đào có tiếng của một gánh hát chèo nhí nhảnh, nũng nịu, một nụ cười tinh ranh luôn luôn nở trên môi thắm. Chị theo gánh hát đi hết nơi này đến nơi khác, qua những cánh đồng lúa non, gió thổi tạt xuống như tấm thảm nhung lay động, qua những ngọn đồi tím, trơ trụi mấy cây thông giơ thân hình khắc khổ, men những vùng cát trắng, những ruộng muối đỏ, mơ màng nhìn những cánh buồm nâu cắt hình lên mặt biển màu ngọc bích. Chị đi, vui vẻ, không lo, không nghĩ, như một con vật non, sống cái đời phiêu bạt, chìm đắm trong tiếng hát, cung đàn. Đêm đêm chị lại thay hình trở nên cô công chúa nõn nà dưới dải mũ rung rinh ánh sáng, hay cô thôn nữ thơ ngây, áo nâu non, thắt lưng cá vàng, ngồi bán nước dưới gốc đa. Con mắt sắc của chị đã say đắm bao nhiêu trai làng khăn lượt, áo thâm, giọng hát trong của chị đã đem lại cho bao nhiêu người vất vả một chút quên, quên những nỗi cực khổ hằng ngày để đắm đuối trong âm thanh.

Thế rồi, một ngày xuân ấm, lộc cây đầy nhựa, chị gặp người yêu.

Tôi nhìn anh Tạc, gầy ốm trong mảnh áo rách, nước da đen xám vì dãi dầu. Thủa ấy, có lẽ anh là một trang niên thiếu phong nhã, yêu âm nhạc, cảm thanh sắc, bỏ nhà cửa theo gánh hát của cô đào xinh xắn đã cướp đoạt lòng anh. Hai người đã sống trong ái tình; những đêm thanh vắng, chị đã biết bao lần cất tiếng ca nỗi lòng u ẩn để riêng anh rạo rực nghe; những buổi chiều vàng rực, linh hồn của hai trẻ đã từng hòa hợp với lá, với cỏ xanh non hơn với ánh nắng sắp tàn.

Ánh chiều qua, ánh chiều lại qua. Chuỗi ngày ái ân bao giờ cũng ngắn ngủi. Thời khắc trôi, và trôi theo tuổi trẻ, tình yêu và hy vọng. Gánh hát tan. Anh chị đưa nhau về ẩn một nơi thôn quê trầm tịch, nhưng người ta không thể chỉ sống bằng ái tình và nước lã. Hai người đã cố tìm việc làm, đã dày dạn nắng mưa, đã biết đời cực nhọc.

Cũng như những con ve không biết phòng xa, anh chị đã phải sống trong sự khốn cùng. Bây giờ đây, sống tạm bợ cho qua ngày, hai người có lẽ không còn nhớ những tình cảm ngây ngất, những giây phút mãnh liệt thủa trước nữa. Sự nghèo khổ đã in vết nhăn trên trán. Người lam lũ chóng khô héo. Tôi ngồi nhìn vợ chồng chị Tạc, bây giờ không còn tìm thấy dấu vết cuộc đời xưa. Trên nét mặt hai vợ chồng, tôi chỉ còn thấy vẻ nhẫn nhục của những người nghèo khó. Không lúc nào hai vợ chồng còn nở được một nụ cười vui vẻ: họa hoằn một đôi khi nghe tiếng trinh, tiếng xu ném vào chậu thau liên tiếp, vẻ mặt hai người mới sáng lên một chút. Lúc đó, chồng nắn cung đàn, vợ cao giọng hơn lên, nhưng chỉ còn là mong được người ta thưởng nhiều hơn. Không bao giờ chị còn hát cho chị nghe, cho chồng chị nghe nữa, mà chồng chị cũng không còn rạo rực như xưa: Chị, ngày nay, chỉ còn hát để mà nuôi thân.

Những này hè oi nồng đã hết, và cũng đã hết những ngày trong sáng của mùa thu ngắn ngủi. Gió bấc đã bắt đầu đuổi lá bàng trên những con đường vắng, và tiếng sếu kêu lạnh đã vang động trong đêm khuya. Con gái nhà giàu mặc thử những bộ áo nhung ấm, con nhà nghèo rét run trong mảnh áo rách.

Đêm đến, đường sá vắng tanh, không có vẻ đông đúc rộn rịp nữa. Cuộc sinh nhai ngoài phố càng thêm khó khăn; càng ngày càng thấy vắng người dừng chân lại nghe vợ chồng chị Tạc. Họ vội vàng đi về những căn nhà ấm cúng, hưởng sự êm đềm của gia đình, không ai nghĩ đến những cảnh đời thiếu thốn chung quanh. Tiếng xu rơi vào chậu thau mỗi đêm một hiếm, và tiếng hát của chị Tạc không thấy cao lên nữa.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn gặp hai vợ chồng chị nhưng gió mỗi lúc một rét, tiếng đàn tiếng hát mỗi lúc một nhanh, và những buổi mưa phùn lạnh lẽo thì điệu Nam ai gần hóa ra điệu Bình bán. Thằng cu con, trời rét mà vẫn mặc có cái áo cánh rách; mẹ nó chỉ bó thêm vào mình nó một manh chiếu con để che gió. Tuy vậy, tôi vẫn thấy nó run cầm cập và bỏ cả chậu thau, nép mình vào người mẹ cho ấm. Chị Tạc vừa ôm con lên lòng vừa hát; chị cũng thấy lạnh, môi chị đã thâm lại, chốc chốc chị dừng lại, ho khan lên một tiếng ngắn. Một vài phút sau, không có ai, vợ chồng cuốn chiếu dắt nhau, không biết đi về đâu. Nửa tháng sau đến chỗ cũ, tôi không thấy vợ chồng chị Tạc như mọi lần. Thu hình trong áo, tôi nghĩ rằng rét mướt đã đuổi anh chị đi phương khác kiếm ăn và cũng không để ý đến nữa.

Một hôm, có việc về chơi người anh em ở Bạch Mai, tôi rẽ qua xem nghĩa trang Hợp Thiện. Trời đã xế chiều, ánh nắng còn thếp vàng những ngọn cây cao. Cỏ tươi thắm. Hoa vạn thọ vàng thẫm. Bỗng tôi rùng rợn thấy lạnh lẽo cả tâm hồn, nhưng không dám phân tách rõ cái cảm giác lạnh lẽo ấy.

Trời tối dần. Về phía mộ làm phúc, tôi chợt thấy một đám ma người nghèo. Ba, bốn người phu đương khiêng một cái quan tài mộc, theo sau một người lớn và một đứa trẻ. Một nỗi buồn thấm thía đến cắn lấy lòng tôi khi tôi nhận ra cha con anh Tạc. Tôi sực nhớ đến tiếng ho khan của chị những đêm đông giá lạnh, và tôi chợt hiểu vì lẽ gì ít lâu nay tôi không gặp vợ chồng chị. Trong lúc ấy, áo quan từ từ đặt xuống hố, tôi nghe tiếng rút dây rõ ràng trong sự yên lặng của buổi chiều. Rồi có tiếng khóc rên rỉ, đem lại một nỗi buồn mênh mông.

Mộ đã đắp xong. Đột nhiên tôi thấy những nét trắng của mấy bông huệ rung trong bóng tối, như sự xao động cuối cùng của một linh hồn sắp bị tiêu diệt. Người tôi lúc đó dễ xúc cảm như một cốc pha-lê mong manh, sẽ động vào là có tiếng vang. In sâu vào trí nhớ những chấm đỏ thẫm của hương, mùi thơm mát trong gió. Anh Tạc, thằng cu con, mấy người phu trở nên những vết lờ mờ không rõ, nhòa trên nền cỏ quen. Không một tiếng động. Im lìm, trong một giây, tôi có cái cảm giác người và vật sắp sửa tan vào bóng tối.

Có tiếng nói, như một sự quái lạ:
- Cho chúng tôi tiền để chúng tôi về. Tối rồi.

Câu nói thản nhiên của bọn phu trong không khí âm thầm, tôi nghe như một sự xúc phạm. Lặng lẽ, tôi bước lại, cho chúng một hào, và còn bao nhiêu tiền trong túi tôi dốc cả vào tay thằng cu con.

Từ hôm ấy, tôi không gặp cha con anh Tạc lần nào nữa. Có lẽ anh lang thang với chiếc đàn lẻ loi, với những nỗi đau khổ ngầm ngầm, cha con không chết đói là anh không còn mong mỏi gì nữa.
Và từ đấy, tôi cũng bỏ mất cái thú đi hóng mát buổi chiều.

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

bên bờ biển

các em ơi anh đến rồi
bao nhiêu gái gú bồi hồi ngước lên
sững sờ khi thấy một tên
trần truồng la hét chạy trên cát và
lao ùm xuống biển bao la
vẫy vùng ra tít mù xa chân trời
này quay lại đi anh ơi
ra xa quá cá mập xơi bây giờ

...

bao nhiêu gái gú trông chờ
chờ trông có một bất ngờ xảy ra
biển thì vẫn cứ bao la
lâu không ai đến hát ca trần truồng


02.05.06 & 05.11.06



(trích mật thư, nguyễn thế hoàng linh)

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Chợ trời của Khái Hưng

1. Nhân chép lại bài viết (ngày nay hẳn gọi là tản văn?!) Chợ trời của Khái Hưng mới biết chợ trời không phải là chợ trời vậy (!?).

***

2. Đọc cái thú văn thơ, đến đoạn

Hết chuyện người Pháp đến chuyện người Nam, chuyện một cặp trai gái lên thăm chùa rồi chừng thấy mình bỗng hoá thành tiên đưa nhau ra đó tình tự, tình tự một cách quá thân mật đến nỗi thằng bé phải chạy đi mách sư bác tới can thiệp.

thì bỗng nhớ chuyện đó thế này, song Khái Hưng không chép lại:

Thằng bé dĩ nhiên không thể mách sư bác một cách sỗ sàng, bèn ... cũng làm thơ

Nam bắc đáo
Nữ đông lai
Nam chiết chi vi sàng
Nữ giải y vi tịch
Nam quỳ như hổ phục
Nữ ngoạ tựa long phi
Tiền khoan khoan
Hậu giật giật

Hậu lai, bất tri hà sự

Hehe.

Khái Hưng - Chợ trời

Đường đi
Chúng tôi đã chơi chợ tết và chợ phiên. Nhưng đó đều là chợ trần, tanh tưởi mùi thịt cá, hôi hám mùi thịt người. Nay nhân tiết xuân ấm áp, hương xuân phảng phất trong không, nhựa xuân bồng bột trong cây cỏ, chúng tôi cao hứng rủ nhau đi chợ trời một phen.
Và hôm 13 tháng ba tây mới rồi chúng tôi đã lên Chợ Trời, trên ngọn núi Thầy, bằng... ô tô -- hai chiếc ô tô máy nổ rất hùng của hai bạn Hoàng Đạo và Như Tiếp, do hai bạn lái lấy, tay lái cũng rất hùng. Đi chợ trời, đường thiên san vạn thuỷ, ngoắt ngoéo hiểm nghèo, chứ có phải tầm thường đâu! Chỉ non tay lái một tí là chết dễ như bỡn!
Kể tay lái thì cố nhiên không non rồi, chỉ phải cái díp xe hơi non một tí thôi: trên con đường đất vào chùa ai nấy đều bị sóc, bị lắc, bị dãn xương thịt. Nhưng cũng đến nơi được, thế là may lắm .
Trước khi tới chợ trời, chúng tôi phải qua một cái chợ trần, người họp đông quá khiến chúng tôi đi chậm lại và hai anh Luyện, Tiếp phải thay nhau xuống quay máy liền liền, vì xe các anh chỉ quen xông pha "đường trường", chứ hễ bắt nó đi chậm là y như nó giở quẻ ì ạch, bất kham.
Rời ô tô, chúng tôi dùng chân leo tới chùa trên. Chùa ở lưng chừng núi, đường lên cũng chả khó khăn lắm. Thỉnh thoảng chúng tôi dừng lại ngắm xuống, và có vẻ kiêu hãnh rằng mình đã lên cao. Những mái chùa ở ven chân núi qua cành đại già cỗi, mốc thếch phảng phất giống những nét vẽ trong một bức thuỷ hoạ Tàu. Đứng trên trông xuống bao giờ cảnh cũng Tàu, - anh Luyện bình phẩm.
Sư văn sĩ
Vào chùa trên, chúng tôi lưu ý ngay đến một điều: sư cụ Như Tùng trụ trì chùa Thầy là một văn sĩ thông ba thứ chữ: Nho, Pháp, và cả Nam. Chúng tôi thấy nhan nhản viết, đục trên biển gỗ, trên vách đá, trên tường vôi những tác phẩm của sư cụ, lời văn thống thiết, bi ai khiến chúng tôi... mỉm cười. Tôi có nhớ một mẩu câu Pháp văn, xin chép ra đây để độc giả cùng thưởng thức: "... des os que les pélerins foulent aux pieds et cassent même" Dưới ký: Như Tùng, bonze en chef.
Hang Thánh hoá
Không rõ hang Thánh hoá thời nàng Xuân Hương, thì:
Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp,
Lách khe nước rỉ mó lam nham
như thế nào, chứ ngày nay, chúng tôi chỉ thấy một con đường lát gạch Bát Tràng, và cái bể con hứng giọt nước rỉ, mó chẳng lam nham nữa. Còn lườn đá thì bị những bài thơ, bài phú của các ông nghè, ông cử khoa dậu, khoa mão mặc kín mất cả sự trần truồng, sự rậm rạp thiên nhiên.
Chợt nghĩ tới hai câu luận của bài thơ Xuân Hương, tôi liền rủ Tú Mỡ cùng vào bái yết sư cụ, để tiện thể xem rõ mặt bậc văn sĩ tu hành. Nhưng nào đâu còn như xưa:
Một sư đầu trọc ngồi khua mõ
Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am!
Sư cụ chỉ bệ vệ ngồi trên sập, thò đầu qua cửa sổ để nhận lấy cái chào của chúng tôi.
Chợ trời
Trước khi ăn uống, chúng tôi lên chợ trời.
Nhất Linh bàn nếu gặp tiên sẽ mời xuống cùng chén rượu hồ đào nhắm với gà quay. Tôi thêm:
- Dễ thường bác Tản Đà cũng có ở đấy, chúng ta sẽ nhờ bác giới thiệu với chư tiên.
Nhưng sau hơn mười lăm phút khó nhọc leo trèo, chúng tôi đến một ngọn núi lởm chởm những đá nhọn, tua tủa những lá sắc dứa dại. Và ở giữa một khoảng vuông nhỏ bằng mặt cái bàn, - nơi chư tiên "thường" xuống đánh cờ! - người ta xây một cái mốc bằng xi măng, cái mốc của sở lục lộ. Đó là tất cả chợ trời, cái chợ trời mà cô Xuân Hương yêu dấu của chúng ta đã lên chơi và đã đề vịnh:
Hoá công xây đắp biết bao đời
Nọ cảnh Sài Sơn có chợ trời
Buổi sớm gió đưa, trưa nắng đón.
Ban chiều mây họp, tối trăng chơi.
Bày hàng hoa quả tư mùa sẵn,
Mở phố giang sơn bốn mặt ngồi.
Bán lợi buôn danh, nào những kẻ,
Chả lên mặc cả một đôi lời!
Chẳng rõ có ai bán lợi mua danh lên đấy không, nhưng bác Tản Đà thấy  hạ giới văn rẻ như bèo đã một lần kĩu kịt gánh thơ lên bán chợ trời. May mà đó chỉ là một giấc mộng. Chứ nếu là sự thực, thì thất vọng đến thủa nào nguôi!
Chừng bị cái không khí tiên gợi nguồn cảm hứng, Hoàng Đạo cất tiếng ngâm:
Tưởng tượng hôm nay tới chợ trời,
Đánh cờ, uống rượu với tiên chơi.
Rồi ngừng bặt: nguồn cảm hứng chỉ chảy được tới đó. Nhưng đã có thi sĩ Tú Mỡ nối điệu thành một bài thơ thất ngôn thập nhị cú:
Lên chơi chợ trời
Tưởng tượng hôm nay tới chợ trời,
Đánh cờ uống rượu với tiên chơi.
Trèo đèo khấp khểnh chân trầy trật,
Leo giốc quanh co gối mỏi rời.
Chợ họp: lô nhô toàn những đá.
Hàng bày: lủa tủa rặt cây gai.
Cờ tiên nào thấy bàn đâu nhẻ?
Lục lộ còn trơ cột đó thôi!
Ngán nỗi người tiên đầu mất hút
Bực mình khách tục bở hơi tai
Thôi đành kéo xuống trần gian vậy
Cơm nắm, gà quay, chén thảnh thơi
Tiên
Và chúng tôi kéo xuống trần gian. Chúng tôi giải khăn lên cỏ, bày món ăn ra khăn, rót rượu ra cốc rồi làm cái việc rất thần ... tiện, việc ăn uống.
Ngà ngà say, tôi hỏi đùa mấy thằng bé dẫn đường:
- Các em có thấy tiên xuống núi bao giờ không?
Một đứa cười hóm hỉnh trả lời:
- Tiên có xuống nữa thì mình nhìn thấy sao được?
- Vậy em chỉ nhìn thấy người đến đây? Có cả con gái nữa chứ.
Nó vui vẻ thuật cho chúng tôi nghe những bữa tiệc ầm ỹ của người Pháp ở miếng đất vuông chúng tôi đương ngồi ăn:
- Ăn xong người ta vặn máy hát và nhảy đầm.
Hết chuyện người Pháp đến chuyện người Nam, chuyện một cặp trai gái lên thăm chùa rồi chừng thấy mình bỗng hoá thành tiên đưa nhau ra đó tình tự, tình tự một cách quá thân mật đến nỗi thằng bé phải chạy đi mách sư bác tới can thiệp.
Bất tử
Hai thằng bé chuyện vui quá. Chúng nó đều là nghệ sĩ non cả, hay ít ra cũng là bạn dẫn đường của nghệ sĩ. Chúng nó luôn luôn đọc đến những trên rất quen thuộc cậu Vân, cậu Trí, cậu Nhị, cậu Cung, cậu Trù, ông Nam Sơn và cả ông Inguimberty nữa. Chúng nói "ông Inguimberty" nghe thân mật quá, tưởng như chúng là học trò yêu mến của ông giáo người Pháp. Nhờ chúng, những cái tên lớn lao kia sẽ mãi mãi, lưu truyền lại hậu thế, sau khi những bài thơ, bài phú trên sườn hang Thánh hoá nét khắc đã mờ, vì
Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ
Thế là các hoạ sĩ bỗng dưng sẽ trở nên bất tử.
Tôi có ý nghĩ ấy. Và mỉm cười tôi giới thiệu từng tên trong bọn chúng tôi với hai đứa trẻ dẫn đường. Chúng chăm chú nhẩm học thuộc những cái tên mà có lẽ chúng cho là rất ngộ nghĩnh. Rồi mấy hôm sau biết đâu chúng nó không khoe với khách thập phương: "hôm nọ cậu Nhất Linh, cậu Hoàng Đạo, cậu Khái Hưng, cậu Huy Cận, cậu Luyện, cập Tiếp uống rượu ở đây. Ăn xong, cậu Nhất Linh và cậu Hoàng Đạo có thổi ống tiêu và ống địch"
Thế là chúng tôi cũng sẽ bất tử cả.