Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

Sống chết mặc bay

Phạm Duy Tốn

Sống chết mặc bay

Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng... thuộc phủ... xem chừng núng thế lắm, không khéo thì vỡ mất.
Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức gìn giữ, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy, ngập quá khuỷu chân, người nào người ấy, lướt thướt như chuột. Tình cảnh này trông thật là thảm.
Tuy đánh trống liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác, gọi nhau sang hộ, nhưng xem chừng ai cũng mệt lử cả rồi. ấy vậy mà trên trời thời mưa vẫn tầm tã trút xuống, dưới sông thời nước cuồn cuộn bốc lên. Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất!...
Ấy, lũ con dân đang chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ, đem thân hèn yếu đuối mà đối với sức mưa to lớn, để bảo thủ lấy tánh mạng gia tài; thế thời quan cha mẹ ở đâu?
Thưa rằng: Đang ở trong đình kia, cách đó chừng bốn năm trăm thước. Đình ấy cũng ở trên mặt đê, nhưng cao mà vững chãi, dẫu nước to thế nữa, cũng không việc gì.
Trong đình, đèn thắp sáng trưng; nha lệ lính tráng, kẻ hầu người hạ, đi lại rộn ràng. Trên sập mới kê ở gian giữa, có một mình quan phụ mẫu, uy nghi chễm chện ngồi. Xung quanh sập, bắc bốn ghế mây, bắt đầu từ phía hữu quan, thì có thầy đề, rồi lần lượt đến thầy đội nhất, thầy thông nhì, sau hết, giáp phía tay tả ngài, thì đến chánh tổng sở tại, cùng ngồi chầu bài.
Ngoài kia tuy mưa gió ầm ầm dân phu rối rít; nhưng trong này xem chừng tĩnh mịch nghiêm trang lắm, trừ quan phụ mẫu ra, mọi người không ai dám to tiếng. So với cảnh trăm họ đang vất vả lấm láp, gội gió tắm mưa, như đoàn sâu lũ kiến ở trên đê, thời ở trong đình rất là nhàn nhã, đường bệ, nguy nga: nào quan ngồi trên, nào nha ngồi dưới; người nhà, lính lệ như khoanh tay sắp hàng, nghi vệ tôn nghiêm, như thần như thánh. Thỉnh thoảng nghe tiếng quan phụ mẫu gọi: "Điếu, mày!" tiếng tên lính thưa: "Dạ"; tiếng thầy Đề hỏi: "Bẩm, bốc?" tiếng quan lớn truyền "ừ". Kẻ này: "Bát xách... Ăn", người kia: "Thất văn... Phỗng", lúc mau, lúc khoan, ung dung êm ái, khi cười khi nói, vui vẻ dịu dàng. Thật là tôn kính, xứng đáng với một vì phúc tinh...
Khi đó, ván bài quan đã chờ rồi. Ngài xơi bát yến vừa xong, ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi, mắt đang mải trông đĩa nọ, bỗng nghe ngoài xa, tiếng kêu vang dậy trời đất... Mọi người giật nẩy mình, duy quan vẫn điềm nhiên, chỉ lăm le chực người ta bốc trúng quân mình chờ mà hạ. Vì ngài sắp ù to.
Có người khẽ nói:
- Bẩm, đê có khi vỡ!
Ngài cau mặt gắt rằng:
- Mặc kệ.
Rồi ngài xếp lại bài, quay gối dựa sang bên tay phải, nghiêng mình, bảo thầy đề lại:
- Có ăn không thì bốc chứ!
Thầy đề vội vàng:
- Dạ, bẩm bốc.
Vừa lúc đó, thì tiếng người kêu rầm rĩ, càng nghe, càng lớn. Lại có tiếng ào ào như thác chảy xiết; rồi lại có tiếng gà, tiếng chó, trâu, bò kêu vang tứ phía.
Bấy giờ ai nấy ở trong đình, đều nôn nao sợ hãi. Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, tất tả chạy xông vào, thở không ra lời:
- Bẩm... quan lớn... Đê vỡ rồi!
Quan lớn đỏ mặt, tía tai, quay ra, quát rằng:
- Đê vỡ rồi!... Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không?... Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?
- Dạ, bẩm...
- Đuổi cổ nó ra!
Ngài quay vào, hỏi thầy đề:
- Thầy bốc quân gì thế?
- Dạ, bẩm con chưa bốc.
- Thì bốc đi chứ!
Thầy đề, tay run cầm cập, thò vào đĩa nọc, rút một con bài lật ngửa, xướng rằng:
- Chi chi!
Quan lớn vỗ tay xuống sập kêu to:
- Đây rồi!... Thế chứ lại!
Rồi ngài vội vàng xòe bài, miệng vừa cười, vừa nói:
- Ù! Thông tôm, chi chi nẩy!... Điếu mày!...
*
* *
Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng lúa má ngập hết; kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh sầu thảm, kể sao cho xiết!

Tạp chí Nam Phong,
số 18, tháng 12 - 1918

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

Ngô Bảo Châu đã làm gì?

“Thâm nhập” hành trình chứng minh Bổ đề cơ bản của Ngô Bảo Châu

Hãy cùng nghe Joe “văn học hóa” hành trình chứng minh “Bổ đề cơ bản” của giáo sư Ngô Bảo Châu, để hiểu một cách chân phương nhất, đời thường nhất những gì nhà toán học đã làm được để đưa anh đến với giải thưởng Fields danh giá.

Vừa rồi báo chí kể nhiều về giáo sư Ngô Bảo Châu. Bố, mẹ anh làm gì, trước đây anh học ở đâu và được giải thưởng gì. Anh đã nhận giải thưởng Fields ở thành phố nào, được ai trao tặng huy chương. Thậm chí báo chí có nói công trình của anh dày 169 trang (169 trang cơ!), và tên của nhà xuất bản phát hành tạp chí đã công bố công trình đó.

Tuy nhiên, báo chí ít nhắc đến nội dung công việc anh ấy đã làm – công việc khiến anh ấy được chọn là người xứng đáng nhận giải thưởng Fields. “Nói chung anh ấy giỏi toán”, là khái niệm sơ sơ của đa số tác giả viết bài liên quan. Khái niệm đó thường được thể hiện bằng ngôn ngữ rất hoành tráng, nhưng vẫn là khái niệm sơ sơ.

Các tác giả thường dừng lại ở câu “Ngô Bảo Châu đã chứng minh được “Bổ đề cơ bản” (thỉnh thoảng cho chút tiếng Pháp vào cho oách: “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie”). Nhưng “Bổ đề cơ bản”là gì và vì saochứng minh nó?

Tôi không giỏi toán nhưng tôi nghĩ các vấn đề khoa học có thể được thể hiện bằng ngôn ngữ thú vị và dễ hiểu nếu tác giả bỏ chút thời gian nghiên cứu. Tôi đã nghiên cứu và thấy câu chuyện thật thú vị, không kể cho các bạn nghe thì...phí quá!

Câu chuyện bắt đầu như thế này. Cách đây rất lâu các nhà toán học đã công bố hai lý thuyết quan trọng: lý thuyết số học và lý thuyết nhóm (number theory, group theory). Bản chất của hai lý thuyết đó tôi sẽ để cho bác “Wiki” giải thích – điều nên nhớ là (a) hai lý thuyết ấy rất quan trọng trong thế giới toán học và (b) hai lý thuyết ấy từ xa nhìn riêng biệt với nhau, như hai cành của một thân cây.

Cách đây khoảng 30 năm, một nhà toán học Canada tên Robert Langlands đã công bố rằng ông ấy nghĩ hai lý thuyết ấy có sự liên quan rất đa dạng. Quan điểm của Robert (và cách thể hiện quan điểm đó) đã làm cho nhiều nhà toán học thực sự choáng! Robert cũng tự làm choáng mình nữa – ông phát biểu rằng sẽ mất mấy thế hệ để chứng minh sự liên quan đa dạng mà ông ấy cho rằng có tồn tại.

“Nhưng bước đầu tiên sẽ tương đối dễ thực hiện”, ông Robert tự tin nói với đồng nghiệp.

“Bước đầu tiên” đó Robert đặt tên là "fundamental lemma”, và đó chính là “Bổ đề cơ bản” mà các bạn nghe kể nhiều thời gian gần đây.

Ông Robert tựa như đang đứng trên đảo nhỏ. Nhìn về phía Đông là một con tàu lớn. Nhìn về phía Tây cũng là một con tàu lớn. (Hai tàu không có người lái, trôi trên mặt biển.) Robert không nhìn kỹ được nhưng vẫn cho rằng hai con tàu đó có nhiều điểm chung. Có khi sản xuất cùng loại thép. Có khi chân vịt cùng cỡ. Có khi bánh lái của “tàu Đông” hướng về phía tay phải thì bánh lái của “tàu Tây” sẽ tự động hướng về phía tay trái.

Khỏi phải nói hai con tàu đó là lý thuyết số học và lý thuyết nhóm.

Với Robert, việc chứng minh “bổ đề cơ bản” có thể so sánh với việc ném hai sợi dây có móc sang hai tàu. Khi việc đó làm xong, các nhà toán học khỏe mạnh có thể đứng trên đảo cùng Robert, dùng dây kéo hai tàu gần nhau. (Khi đó mới nhìn kỹ được, tìm ra sự liên quan.) Việc kéo hai con tàu gần nhau và so sánh là việc Robert nghĩ sẽ mất mấy thế hệ. Nhưng việc ném hai sợi dây có móc đó ông Robert nghĩ sẽ nhanh thôi.

Nhưng ông Robert đã nhầm. Việc ném dây khó lắm. Robert cùng một số em sinh viên đã ném thử mấy lần nhưng lần nào cũng thất bại. Họ chỉ biết ném gần (không chính xác được) và dùng dây loại mỏng.

Đảo của Robert trở thành đảo nổi tiếng. Suốt 30 năm có rất nhiều nhà toán học sang “ném thử” Ai cũng lau mồ hôi và kêu lên “khó quá!” Nhiều nhà toán học trên đất liền chuẩn bị công cụ dùng để kiểm tra và so sánh hai con tàu lúc được kéo về đảo (kéo gần nhau!). Họ sản xuất máy để kiểm tra loại sơn, lập trình phần mềm để phân tích hai chân vịt. Thậm chí có người tập lái tàu và tập cách đứng trên boong tàu để không bị say sóng. Những công việc và sự tập luyện đó sẽ thành vô nghĩa nếu không có người ném dây chính xác.

Và rồi xuất hiện anh Ngô Bảo Châu. Nghe kể về đảo của Robert, anh bơi sang xin ném thử. “Được chứ!”, các nhà toán học giỏi nhất thế giới động viên. “Anh cứ thử thoải mái đi, thử mấy lần cũng được, thử xong ngồi cùng chúng tôi uống trà đá nhé!”

Anh Châu ném thử một lần, ném rất mạnh, dùng loại dây nặng nhất. Các nhà toán học kia đứng lên ngạc nhiên, nhiều cốc trà đá rơi xuống đất. Cách ném của anh Châu rất lạ; anh dùng kỹ thuật đặc biệt mà chưa ai thấy bao giờ. “Ném thật đi anh ơi!”, các nhà toán học động viên tiếp. “Biết đâu anh sẽ là nhà toán học đầu tiên bắt tàu hai tay!”

Ngô Bảo Châu ném thật. Và chính xác. Hai cái móc dính vào hai con tàu ngay, mọi người vỗ tay ầm ĩ. Rồi anh Châu bảo các nhà toán học đứng trên đảo Robert cầm dây giúp (và bắt đầu kéo hai tàu gần nhau), để anh ấy có thể đi sang Ấn Độ nhận giải thưởng Fields.

Câu chuyện kết thúc tại đây.

Chứng minh “Bổ đề cơ bản” là một trong những thành công lớn nhất của toán học hiện đại, được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009. Vì Ngô Bảo Châu đã hoàn thành việc này, nên những năm tới đây các nhà khoa học thế giới có thể tự tin nghiên cứu sự liên quan giữa lý thuyết số học và lý thuyết nhóm. Đó thực sự là một thành đạt tuyệt vời – cả Việt Nam nên tự hào về người ném dây có tên Ngô Bảo Châu.

Joe

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Dỏm, Ốc và Hến

Dỏm ở đây là nói chuyện bằng cấp của các bác vừa bị lộ.
Chuyện xưa hơn Diễm.
Nhưng cấp độ có tiến bộ. Xưa bằng dỏm. Nay bằng "thiệt" của trường dỏm. Sắp tới bằng thiệt của trường thiệt hợp tác với trường dỏm.
Chỉ có tiến chớ chẳng có lùi.

Vấn đề là dỏm vẫn xài tốt. Có câu: có cầu ắt có cung.
Cụ thượng cựu chả đã muốn tiến sĩ nhiều như xe gắn máy ngoài đường?
Xe gắn máy nhiều nhờ xe Tàu. Dỏm dỏm mà dân cũng bon nhanh trên đường gập ghềnh. Vậy quan cưỡi bằng dỏm chẳng thênh thang hoạn lộ?

(Sở dĩ nói chuyện cũ rích cũ rơ này bởi tội đọc báo. Đã trót đọc thì điểm thêm chuyện thật, đối cho nó chỉnh.
Chuyện giáo sư NBC. Phó tể cựu thượng mời GS làm việc. Đăng trên Vnexpress.
Đáng nói ở chỗ ý kiến bạn đọc. Bên cạnh những người hô khẩu hiệu (ngờ rằng không mấy người biết GS làm gì) có nhiều người đặt câu hỏi thiết thực: GS sẽ làm gì trong nước?)

Xưa có tuồng Nghêu Sò Ốc Hến.

Nghe thầy bói Nghêu xui, Ốc ăn trộm của trùm Sò đem bán cho thị Hến. Chuyện đến cửa quan, quan nọc Ốc ra đánh. Ốc kêu la:
Đau quá quan lớn ơi,
Thị Hến ơi thị Hến,
Xong vụ này về tao đốt cái nhà mày.
Hến:
Chú này nói hay chưa,
Chú bán tôi mua,
Có đâu không mà tôi nói có.

Quả là chú bán tôi mua. Không có người mua sao có người ăn trộm?
Chỉ tội anh chàng (ng)Ốc phải đòn. Chứ thị Hến thì đong đưa cùng lý trưởng, thầy đề với quan huyện.
Trùm Sò không bằng được, đến mất của. Nếu có ngày lạc vào nhà các quan, Sò phải mắt chữ O như anh thày bói sợ ma: sao xôi giống xôi, thịt giống thịt?

Xôi thịt chẳng là xôi thịt thì là gì?

The Age Demanded

The age demanded that we sing
and cut away our tongue.
The age demanded that we flow
and hammered in the bung.
The age demanded that we dance
and jammed us into iron pants.
And in the end the age was handed
the sort of shit it demanded.
Paris 1922
Ernest Hemingway
(Chép lại để đấy.)

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2010

Rau muống tháng Chín

Rau muống tháng Chín, nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn.
(Tục ngữ Việt Nam)

Cô con gái học chuyên văn hỏi bố:
- Bố ơi! Bố giải thích dùm con câu tục ngữ “Rau muống tháng chín, nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn” là thế nào?
- Có gì đâu mà không hiểu. Tháng 9 đã hết mùa rau muống, cho nên rau muống trở nên hiếm. Câu này là người ta muốn ca ngợi những người con dâu hiếu thảo trong cảnh nghèo. Thứ gì ngon, hiếm thì nhịn miệng dâng mẹ chồng, con hiểu chưa?
- Con hiểu rồi ạ.
Nghe thế, vợ anh chõ vào:
- Anh giải thích thế mà cũng đòi giải thích. Tháng 9 đã hết mùa rau muống, đúng! Nên rau muống tháng 9 là loại rau già, rau còi, ăn vừa xơ vừa chát. Dẫu có hiếm cũng chẳng quý báu gì. Câu tục ngữ này không phải ca ngợi mà là câu mỉa mai những người con dâu xảo trá, bề ngoài tưởng là hiếu thảo mà thực ra trong bụng thì chẳng ra gì. Con hiểu chưa nào?
- Dân gian người ta nôm na, chất phác chứ đâu quen xoi mói, bới móc như cái đám phê bình các cô. Đọc một tác phẩm, chỉ độc chúi mũi vào tìm những là nội dung, chủ đề, tư tưởng với lại tính này tính nọ chứ chả hiểu gì về văn chương nghệ thuật cả.
- Là vì những tác phẩm như tác phẩm của anh, có tí gì là văn chương nghệ thuật đâu! Bảo người ta không biết, sao mấy lần cứ nài người ta viết giới thiệu tác phẩm cho?
- Chân quê lại muốn xỏ giày. Mắt lòa cũng cứ loay hoay muốn nhìn.
- Phải! Quê đấy! Mùa lòa đấy! Biết thế sao ngày xưa cứ lăn vào con quê, con mù này. Còn nhớ đã khóc bao nhiêu lần rồi không?
Cứ thế … “Bản tình ca trí tuệ” mỗi lúc một cao dần, gay gắt dần, và đây là những “nốt nhạc cuối cùng” của nó:
- Được! Đã thế thì ly hôn.
- Cảm ơn! Viết đơn đi! Xin ký ngay.
Những ngày sau đó chẳng ai muốn nói chuyện với ai. Tối đến, họ ngủ riêng mỗi người một giường….

Theo thống kê của tòa án chuyên xử ly hôn thì có 80% các cuộc ly hôn đều bắt đầu từ những mâu thuẫn, chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh như thế. Chẳng ai chịu rút quân khỏi mặt trận máu lửa cả!

Câu chuyện trên đây mình đọc đã lâu lắm rồi. Còn nhớ, để nhấn mạnh nội dung câu chuyện, đoạn mở đầu giới thiệu thế này: Gia đình kia trí thức. Chồng là nhà văn nổi tiếng, hội viên hội này hội nọ. Vợ là nhà phê bình văn học, không kém tiếng tăm, tiến sĩ ngữ văn. Đúng tiêu chuẩn 2 con. Con đầu lòng "ruộng sâu trâu nái không bằng", giỏi ngoan, học chuyên văn. Con trai thứ lanh lợi, đứng đầu lớp chuyên toán.
Người ngoài nhìn vào chỉ những ghen tỵ. Ngày đẹp trời kia con gái rượu hỏi bố, như chuyện đã chép lại ở trên.

Đọc chuyện rồi, mình đâm thắc mắc ý nghĩa câu tục ngữ, hiểu thế nào cho đúng. Không ít lần đem kể cho các bạn nghe. Mong tìm lời đáp. Nhưng từ các cậu bạn chuyên toán đến các cô bạn chuyên văn, thảy đều cười. Không trả lời.
Tụi nó thật là, chẳng đứa nào xứng đi thi Ai là triệu phú. Chương trình này, trên TV, lẽ ra rất hấp dẫn. Bản quyền nước ngoài. Từng được đưa vào bộ phim tuyệt tác Triệu phú ổ chuột.
Tiếc là phiên bản tiếng Việt không đạt. Đã lâu mình chẳng ngó đến. Một phần gã dẫn chương trình kém đáng yêu. Song phải nói nguyên nhân lớn là ở kho câu hỏi dưới mức gọi là tệ. Xem cốt thích thú với kiến thức, mà không được. Văn hóa xã hội nay buồn sao!
Hôm rồi nhàn cư thế nào lại liếc qua. Tình cờ gặp đúng cố ... không phải nhân mà là câu tục ngữ. Bốn khả năng lựa chọn là: thương nhau - gần gũi - nhường nhịn - ghét nhau. Nghĩ bụng: chẳng cần chuyên văn, biết toán tý là suy được. Ba khả năng kia giống nhau, trúng một chẳng hóa đúng cả ba? Thành đáp án hẳn là ghét. Quả nhiên thế.
Chương trình kiểu kia thì có sai cũng chả lạ. Thử Google kiểm tra phát. Hóa cũng không ít người tò mò như mình. Có điều những câu trả lời cãi nhau, kết quả hầu như bất phân thắng bại. Có bạn chép nguyên chuyện mà mình chép lại của bạn ý ở trên, được đánh giá là câu trả lời hay nhất trong Yahoo! Hỏi & Đáp. Mình thấy một ý kiến thuyết phục nhất là bảo: ghét nhau, dẫn theo Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam.
Vậy là, nói có sách. Dẫu sách xứ ta cũng chẳng mấy đáng tin. Âu cũng là một căn cứ. Hẳn nhà đài cũng luận như thế?

Ông nhà văn trong chuyện kể trên không phải không có lý. Tiếc là sách lại thiên về người Việt xấu xí ...
Phải chăng, đúng thực là xấu xí ...

Thứ Ba, 6 tháng 7, 2010

Twilight

Khi nhìn thấy tiêu đề bộ phim như trên, chắc nhiều người cũng như mình, nghĩ ngay đến bộ phim đang ăn khách, cuối tháng này sẽ ra mắt phần 3.
Dịch là Chạng vạng. Phim về mối tình của một chàng ma-cà-rồng-ăn-chay và một cô nàng muốn-được-trở-thành-như-người-mình-yêu-mà-chàng-không-chịu.
Search trên Google, lướt quá 10 pages vẫn không tìm được gì khác.

Tìm, bởi vì đó không phải là bộ phim mà mình mới được xem trên HBO. Dĩ nhiên, đã xem rồi nên mình cũng tìm được trên IMDb.
Tiêu đề cũng là Twilight. Nhưng được dịch là Xế chiều.

Theo mình, dịch rất đúng.

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010

Chiều chầm chậm đạp xe trên phố

Thoạt tiên mình không mấy để ý. Đã quá quen thuộc với hình ảnh những chiếc xe đạp cắm cao ngất ngưởng rao bán các vật bơm hơi đôi khi không-biết-là-cái-hay-con-gì.
Lần này đập vào mắt mình ở vị trí cao nhất là một con (tưởng là) cá. Lạ là nó có một con trym dài dưới bụng. Bèn đạp xe theo sát giương kính cận cho rõ.
Hóa ra thân hình vằn vện của nó vẽ hai ô cửa sổ. Sau hai khung cửa là hai khuôn mặt trẻ thơ. Nó, giời ạ, là một chiếc trực thăng, hay như tiếng ta gọi là một chiếc máy bay lên thẳng.
"Con trym" kỳ lạ của chiếc-trực-thăng-tưởng-là-cá chính là nòng một khẩu súng chúc xuống.

Không biết hai em bé ngây thơ kia lái máy bay mang súng đạn đi đâu?

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

Họa mi

Họa mi ai vẽ nên mi?
Trông thì mi đẹp, hót thì mi hay.
Ai đưa mi đến chốn này?
Nước trong gạo trắng mi ngày ăn chơi,
Lồng son cửa đỏ thảnh thơi,
Mi bay mi nhảy sướng đời nhà mi!
Nghĩ cho mi cũng gặp thì,
Rừng xanh mi có nhớ gì nữa không?

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2010

Khí Việt

Đọc blog Gã đầu bạc thấy dưới một bức ảnh có chú như vầy:

"Đây là Hói Đợi ("hói" tiếng miền Trung gọi con mương). Tương truyền, vào đời nhà Mạc, một thầy phong thủy Tàu đi qua đây thấy có mạch đất tốt sẽ sinh người tài, bèn tìm cớ xui dân chúng đào con hói này để cắt đứt long mạch. Nhưng khí Việt không mất bởi tay thầy Tàu. Bờ phải hói là địa phận xã Lộc Thủy, quê đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bờ trái hói là địa phận xã Phong Thủy, quê tổng thống Ngô Đình Diệm."

Khí không mất. Chỉ bị chia đôi. Và hai nửa đó còn đánh nhau.

Tiên sư thầy phong thủy Tàu!
Dân chúng nào mà dễ xui dễ khiến làm vậy?

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Lại ... kể chuyện

Nơi mình làm việc toàn công nghệ cao.
(Câu ni nghe ... quen quen, hihi).

Xưa có chuyện ông kia đố bạn: "Trời không biết, đất biết. Ông không biết, tôi biết".
(Giày ổng đi thủng đế).
Nay trạm mình có câu ... cũng đố: "Trời biết, đất không biết. Chuột biết, người không biết".

Thực ra bây giờ người cũng đã biết rồi. Nên loay hoay với các kiểu nước dùng tạm.
Mình kể chuyện lung tung quá. Nói lại cho có đầu có đuôi.

Trên đỉnh núi cao người ta xây bể chứa nước.
Chống thấm kỹ càng. Nên nói chuyện trong bể đất không tường.
Dẫn ống từ mái nhà xuống hứng nước mưa. Ấy trong bể trời rõ vậy.
Tội nghiệp chuột cũng chỉ là phận sinh linh mò mẫm kiếm ăn. Chui vào ống những tưởng đầu kia le lói. Ngờ đâu một mực tối tăm. Lại sảy chân lỡ bước. Thương ôi phận bèo nước cả.
Người kia giá đừng nhìn ngó thì cũng yên một phận thủy táng. (Hay nhân táng - theo kiểu điểu táng mình đọc được trên báo).
Nay biết rồi. Chỉ thêm oán thán. Âu cũng một kiếp mưu sinh mà kẻ này vô tình hại người kia vậy.

Chẳng đỡ hơn loài người vẫn cố tình mà ăn thịt đồng loại đó ru?

***

Nhân kể chuyện mới nhắc lại chuyện chỉ vừa mới cũ. (Liên quan gần).
Về anh chàng dũng sĩ diệt chuột.
Có chút thành tích tự nhiên được ưu ái ra vào. (Tâm lý rất rất Vịt Nem). Thế là diệt luôn ... giày dép.

Nói rằng, người Hàn thích tạo ra bi kịch, người Hán thích tạo ra huyền thoại, còn người Vịt thích tạo ra anh hùng.

Nói thêm, người Vịt cũng chôn luôn anh hùng.

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Tâm linh

Tâm linh là chuyện nghiêm trọng lắm đó. Không đùa được mô.
Mà răng tự nhiên đi nói chuyện tâm linh hè?
Tại sắp tới ngày giỗ một cái ông ni.
Ông ni hay lắm. Không biết tên chi. Họ thì bảy phần sai ba phần đúng. Không biết ông sống tra hay chết trẻ.
Rứa mà toàn những người có họ không giống ông tranh nhau làm giỗ.
Giỗ to lắm!
Không biết sinh thời ông thích cái chi. Mà được cúng toàn những thứ to thiệt là to. Năm trước cúng bánh. Năm ni cúng rượu.
Rượu to rứa không biết uống mần răng. Chớ bánh hồi trước không ăn được. Con cháu độn toàn chi chi mô cho to, còn phần bánh thiệt thì hư hết. Chắc cúng thì ông chỉ hưởng hương hưởng hoa thôi?

Bởi rứa bữa tê nghe mấy người bàn nhau. Nói phải để lại password cho con cháu. Cái ni tiếng Tây, tạm dịch nôm na gọi là mật khẩu. Mà dịch rứa cũng chưa tới Nôm, mới tới Tàu thôi. Đại loại cái nớ để sau ni con cháu nhận ra cha ôông. Không thì mấy ông đồng bà cốt lại sử bậy. Nói, cha mi đó, lạy đi tề ...

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010


Trưa nay phát hiện ra một điều rất ... cũ, rằng: đi ăn trễ vào ngày rằm (hoặc cuối tháng âm lịch) thì rất kho tìm ra chỗ ăn vậy.

Sử dụng MOOS, thấy hài lòng và ... gặp trục trặc (!). Tuyệt vọng ném hú họa yêu cầu trợ giúp lên mạng và ... bất ngờ nhận được hướng dẫn tận tình, nhanh chóng. Thanks, Tibi.
Chút đó thấy vui vui.

(Ảnh: ĐN city ít phút trước hội thi pháo hoa, một cái ... làng ... bé nhỏ?)

Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2010

Giêng

Đỏ


Vàng


Cam


Trắng


Sắc màu

Thứ Năm, 11 tháng 3, 2010

Lan man ... quê hương

Quê hương là nơi vợ ta ở.

Câu "tuyên ngôn" này khá thịnh hành thời thế hệ mình học cách tếu táo. Thời của những nghiêm trang lắm lắm. Thành ra một câu một từ hơi lạ dễ thành một thú vị.

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo bảo phải yêu?
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

Bài hát phổ bài thơ này cũng nổi lên ở cái thời nói trên. Nhưng mấy câu vừa rồi thì mãi sau mình mới biết.
Nghệ thuật này, nếu mình không nhầm, từng được gọi là câu hỏi tu từ. Hỏi đấy mà không đợi trả lời.
Như câu hỏi thứ hai, trả lời làm sao được? Mà câu hỏi thứ nhất, trả lời được làm sao? Yêu mà cũng có "phải" yêu?

Nhớ cái chủ nghĩa lý lịch. Ai cũng phải khai quê quán. Quê anh (chị) là quê bố anh (chị). Rõ ràng đến lượt quê bố anh (chị) hiển nhiên phải là quê ông nội anh (chị). Cứ thế mà suy thì phải tìm quê ông cố ông tổ ông cao ông tằng ... và không biết ông gì trên nữa. Nên mới có nạn nói quê đấy mà biết quê đâu.

Ai hỏi mình quê đâu liền đáp Qt. Nhưng nhỡ có người nghiễn chuyện mà bàn thêm thì mình vội rằng: nói quê chứ nào ở mấy ngày. Kẻo nữa thời tịt. Cơ may mà mình vẫn còn chút gì đó đi đi về về.

Sở dĩ lại lan man vì chiều nay ngồi quán cơm Bến Ngự nghe hát về Huế. Chả có gì bàn nếu không bỗng nghe "hát về Huế của người con xứ Huế". Bèn giỏng tai trâu hóa ra Bảo Yến. Nữ ca sĩ này tuy mình không quen nhưng hơi biết. Mới sinh sự ... lan man.

Giống người Hà nội chê anh kia quê Hn đi xích lô bảy ngày chưa tới. Rằng ở "Ba vi co con bo vang". Ấy thế so thủ đô ngày nay còn nội đô chán!
Mà nhà ở phố nào lại đi bẻ hoa vặt lá chặt cành ở kia thì mấy Tràng an? Biện minh bằng quê gốc quê ngọn quê cành quê hoa quê lá nữa chăng?

Všade dobre, doma najlepšie.

Người Tiệp có câu này nghĩa là: ở đâu cũng tốt nhưng ở nhà vẫn tốt nhất.

Phải chăng vì mình chẳng biết ở đâu tốt nhất nên mới là kẻ mất gốc? Mà nói thế đã đúng chưa?
Liệu người ta có thể mất thứ mình không có?

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2010

Chuyện nghe thấy dọc đường

Hãy để đầu đuôi câu chuyện ở đấy đã ...

Gượng xem khúc giữa:
Đồn rằng con gái vùng ấy rất đẹp. Nhiều cô dáng cao, da trắng. Nhất dáng nhì da ...
Cũng lạ. Một thôn giữa miền gió Lào cát trắng. Nơi phần lớn gái trai cọt người, đen xạm. Vất vả, lam lũ thời bao cấp đói nghèo.

Có thể đây là khởi đầu:
Cũng đồn rằng, đó là nơi nhiều lính ngoại quốc từng đóng quân. Thời của những cuộc chiến tranh ...
Những bé gái được sinh ra bởi hai dòng máu.

Còn đây liệu đã là đuôi:
Ven con đường cái quan chạy ngang nơi ấy, khách tinh ý dễ nhận ra hàng loạt nhà trọ. Không phô trương, ngược lại thường kín ngõ, im lìm. Nhưng vẫn đăng ký hoạt động. Giữa cái thời mệnh danh kinh tế thị trường ...
Lại đồn rằng đông khách, đàn ông, kín đáo ...

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2010

Mùa xuân ... có thay áo mới?

Hôm nay qua mấy phố hoa. Thấy rực hai màu vàng và cam. Màu cam quen thuộc của những chậu quất. Màu vàng chủ đạo là những chậu cúc năm nay như nhiều hơn. Có phố mai vàng rực rỡ. Mai rực rỡ mà người lòng buồn bởi mai về sớm.
Cây mai vàng phương Nam này chỉ có cái tên là chung với loài xưa được xếp vào tứ quân tử.
Sao cứ phải trông thời mà thuận lòng người?

Người những mong thay áo cho mùa xuân. Sơn quét lại cửa nhà.
Mình vẫn ơ hờ.

Chiều dắt xe ra cổng. Hai cô bé con đang chơi đùa cười khoe răng sún.
- Chú, chú ở trong ngôi nhà hoang à?
- Ừ (!?!).
- Chú đã giết chết hết ma chưa?
- (?!?) Chưa.
- Răng rứa chú?
- Chú không giết được (!?).
- Trong nhà đầy ma ha chú?
- Ừ (!!).
- Chú nuôi ma à?
- Ừ (!).
- Chao ôi, chú ni là quỷ!
- ?