Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

Đại Việt sử ký toàn thư

[58a] NHÂN TÔNG TUYÊN HOÀNG ĐẾ

Tên húy là Bang Cơ, con thứ ba của Thái Tông, mẹ là Tuyên Từ hoàng thái hậu Nguyễn thị, tên húy là Anh, người làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Vua sinh năm Tân Dậu, Đại Bảo năm thứ 2 [1441], tháng 6, ngày Giáp Tuất mồng 9. Năm thứ 3 [1442], tháng 6, ngày 6 được lập làm hoàng thái tử; đến tháng 8, ngày 12 lên ngôi, đổi niên hiệu là Thái Hòa, lấy ngày sinh làm Hiến Thiên thánh tiết. Ở ngôi 17 năm, thọ 19 tuổi, táng ở Mục Lăng. Vua tuổi còn thơ ấu đã có thiên tư sáng suốt, vẻ người tuấn tú đường hoàng, dáng điệu nghiêm trang, sùng đạo Nho nghe can gián, thương người làm ruộng, yêu nuôi muôn dân, thực là bậc vua giỏi, biết giữ cơ đồ, không may bị cướp ngôi giết hại, Thương thay!

Quý Hợi, Thái Hoà, năm thứ 1 [1443], (Minh Chính Thống năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng,
ngày mồng 8, giờ Dậu, có sao sa ở phương nam. Bấy giờ vua mới ba tuổi, nên Thái hậu buông rèm coi chính sự nắm quyền đoán việc nước.

Tháng 2, ngày mồng 2, xuống chiếu rằng:
"Mới rồi trời hiện điềm tai biến như sau sa, động đất. Trẫm rất lo sợ, suy nghĩ nguyên nhân tai biến, không biết bởi đâu. Có phải vì trẫm mới cầm quyền, [58b] chưa biết giảm nhẹ lao dịch thuế khóa, có điều không lợi cho dân không? Hay là phụ quốc đại thần điều hòa trái lẽ nên khí âm dương không hài hòa mà đến thế chăng? Hay là việc ngục tụng không công bằng, hối lộ công khai, xử án còn nhiều oan uổng mà đến nỗi thế chăng? Hay là chức thú lệnh chưa được người giỏi, làm bừa trái phép, nhiễu hại dân chúng mà đến nỗi thế chăng? Hay là bọn cung nữ oán hờn chưa thả chúng ra nên hại tới hòa khí mà đến nỗi thế chăng? Có phải là bọn gièm pha âm mưu xảo quyệt, để công thần chịu oan khuất chưa được rửa oan mà đến nỗi thế chăng? Hay là vì bày việc thổ mộc, xây dựng cung điện chăng? Kẻ tiểu nhân được tiến dùng, còn người quân tử phải lui ẩn chăng? Đường nói năng bịt kín mà ơn trên bị che lấp chăng. Bọn phi tần lộng hành mà cửa sau bỏ ngỏ chăng. Lệnh cho khắp quan lại, quân dân, đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể xoay được lòng trời, dập hết tai biến, hãy thẳng thắn nói ra, chớ nên ẩn dấu, để giúp trẫm sửa những điều thiếu sót".

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2008

Mythology (2) - The war.

Quân Hy-lạp ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh.
Đứng đầu là vua A-ga-men-nông hùng mạnh. Vua xứ Sparta, Mê-nê-láp em A-ga -men-nông. A-zắc sức mạnh vô địch. Và nhiều, nhiều nữa những chiến binh dũng mãnh của Hy-lạp.
Dĩ nhiên không thể thiếu vị vua nổi tiếng mưu trí Ô-đi-xê (Odyssey - Οδύσσεια). Mặc dù Ô-đi-xê không hề muốn tham gia cuộc chiến do lời tiên tri: ông sẽ phải lưu lạc xa quê trong hai mươi năm. Nhưng ông không thể cưỡng lại số phận.
Người Hy-lạp cũng biết rằng họ không thể không có A-sin (Achilles) chạy nhanh như gió, chiến binh vô địch trong các chiến binh.
A-sin là ai? Chàng chính là hoàng tử xứ Miếc-mi-đông, con vua Pê-lê và mẹ là nữ thần Thê-tix. Số phận của chàng được báo trước là sẽ rất vinh quang nhưng vô cùng ngắn ngủi. Vì vậy mẹ chàng, nữ thần Thê-tix, quyết chống lại số phận bằng cách nhúng con vào nước dòng sông bất tử, khiến toàn thân chàng rắn như sắt, không dao kiếm nào đâm thủng. Tuy nhiên, chỗ bàn tay bà mẹ cầm, gót chân, là nơi không được bảo vệ, để lại điểm yếu chết người: gót chân A-sin.
Để tránh cho A-sin không bị lôi kéo vào các cuộc chiến tranh, bà mẹ nữ thần của chàng một lần nữa tìm cách chống lại số mệnh (tội nghiệp, sau lần chống số mệnh đầu tiên thất bại và phải làm vợ vua Pê-lê!). Bà dấu con trai giữa các công chúa, cho ăn mặc và vui chơi như một công chúa.
Vị vua mưu trí Ô-đi-xê lãnh nhiệm vụ tìm ra A-sin. Ông ta giả làm một thương nhân, buôn bán đủ thứ, đến chào mời các công chúa. Trong khi các nàng xúm vào lụa là trang sức thì có một người chỉ nhìn cung kiếm. Thế là A-sin dẫn quân Miếc-mi-đông của mình tham gia đoàn quân Hy-lạp đến Troy.

Trở ngại đầu tiên cho các chiến thuyền Hy-lạp lên đường là cầu cho sóng yên biển lặng. Vua A-ga-men-nông đã phải hy sinh đứa con gái của mình để cúng tế cho các thần linh.
Trở ngại tiếp theo khi đoàn chiến thuyền hùng mạnh cập đất liền Troy. Lời nguyền người đầu tiên bước lên đất Troy sẽ bị chết khiến quân sĩ bất động. Ô-đi-xê mưu trí nhảy xuống thuyền trước tiên để quân sĩ Hy-lạp ào theo. Họ không nhận thấy vị vua khôn ngoan không nhảy xuống đất mà đứng trên chiếc khiên của mình.

Cuộc chiến thành Troy bắt đầu.

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2008

Mythology (1) - The wedding.

Ngày ấy, bỗng nhiên sấm sét nổi lên kinh hoàng, biển động dữ dội. Người ta biết rằng có sự tranh chấp giữa hai anh em, hai vị thần, Dớt (Zeus - Ζεύς, Jupiter) và Pô-dê-đông (Poseidon - Ποσειδῶν, Neptune).
Thần Dớt là vị thần sấm sét, là chúa tể của các vị thần, cai quản đỉnh núi Ô-lym-pia huyền thoại.
Trong khi đó, thần Pô-dê-đông là vị thần cai quản biển cả, thần của sóng gió và dông tố.
Đối tượng tranh chấp của hai vị thần hùng mạnh là nữ thần xinh đẹp Thê -tix (Thetis). Cả hai đều muốn lấy nàng làm vợ. Vụ tranh chấp tưởng chừng không thể giải quyết chỉ kết thúc khi thần tiên tri đưa ra lời tiên đoán: đứa con của nữ thần Thê-tix sinh ra sẽ có sức mạnh hơn cả bố nó. Vì vậy nữ thần Thê-tix không được phép lấy bất cứ một vị thần nào. Nàng được đem gả cho một người trần, vua Pê-lê (Peleus) xứ Miếc-mi-đông (Myrmidons).
Thoạt tiên, (dĩ nhiên?) Thê-tix không chịu. Nhưng các vị thần khôn ngoan đã tiết lộ cho vua Pê-lê biết nơi nàng ngủ và bản tướng của nàng. Nhờ vậy vua Pê-lê ôm chặt được nữ thần bất kể nàng biến hóa như thế nào. Cuối cùng nữ thần đành chấp nhận số phận.
Đám cưới tưng bừng, được tổ chức vô cùng hoành tráng:
Các vị thần tham dự, đàn hát góp vui rộn ràng.
Nhưng đã có một sai lầm (vô tình hay cố ý?): người ta đã không mời Ê-rix (Eris), nữ thần của sự bất hòa. Ngay lập tức, vị nữ thần này thể hiện sự giận dữ bằng chính quyền năng ghê gớm của mình: bà ta ném vào giữa tiệc cưới một quả táo bằng vàng có khắc dòng chữ "Tặng người đẹp nhất".
Quả táo biến thành cuộc tranh chấp giữa ba nữ thần:
Hê-ra (Hera), nữ thần bảo trợ cho phụ nữ và hôn nhân, vợ thần Dớt.
A-ten-na (Athena), nữ thần bảo trợ cho nghề thủ công cũng như các chiến binh, con gái thần Dớt.
và A-ph-rô-đít (Aphrodite, Venus), nữ thần của sắc đẹp, tình yêu và quyến rũ.
Cuộc tranh giành cần có một trọng tài phân xử. Người được chọn là chàng chăn bò điển trai Paris.
Hera hứa, nếu Paris xử cho mình thắng, bà ta sẽ biến anh thành một vị vua hùng mạnh trên một lãnh thổ rộng lớn.
Athena hứa sẽ biến Paris thành một chiến binh bách chiến bách thắng, lừng lẫy vinh quang nếu chàng xử quả táo về mình.
Aphrodite mua chuộc Paris bằng lời hứa giúp cho chàng cưới được người phụ nữ đẹp nhất châu Âu, nếu chàng xử mình là người đẹp nhất.
(Thử đoán xem,) Paris đã không ngần ngại trao phần thưởng vào tay nữ thần sắc đẹp. Đồng nghĩa với cùng lúc chàng chuốc lấy hận thù từ phía hai nữ thần thua cuộc.

Người phụ nữ đẹp nhất châu Âu là nàng Hê-len (Helen), vợ vua Mê-nê-láp (Melenaus) của Sparta.
Chàng thanh niên Paris chính là đứa con bị bỏ rơi của vua Priam, vua thành Troy. Chàng bị vứt bỏ từ khi mới sinh ra vì lời tiên đoán: chàng là người làm cho thành Troy bị hủy diệt. Nhưng số phận đã trả chàng về với ngôi vị Hoàng tử.
Khác với ông anh trai A-ga-men-nông (Agamemnon) hung bạo và đầy tham vọng chiếm đoạt, vua Mê-nê-láp đã mệt mỏi với những cuộc chiến. Ông muốn hòa bình và bắt tay với các quốc gia láng giềng. Đó chính là lý do khiến Hoàng tử thành Troy có mặt và được đón tiếp tại Sparta.
Nhưng đó cũng là định mệnh. Nữ thần sắc đẹp Aphrodite giữ lời hứa. Paris trở về Troy cùng nàng Helen xinh đẹp.
Vua Mê-nê-láp không còn lại lựa chọn nào hơn là chuẩn bị chiến tranh với Troy. Cuộc chiến vì danh dự, rửa hận và giành lại vợ. Cuộc chiến sẽ lôi kéo sự tham gia của nhiều vị vua đất Hy-lạp (Greek) mà đứng đầu là không ai khác hơn chính A-ga-men-nông. Cuộc chiến cũng sẽ có sự tham gia của nhiều vị thần ở cả hai phía, trong đó không thể không kể đến Hera và Athena, ủng hộ quân Hy-lạp để trút giận lên quê hương Paris.