Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Văn xưa (2)


CON OANH NĂM ẤY KHÔNG VỀ NỮA...
____________________________________
Cầm Ly

"...Một nhánh mận già. Góc vườn nhà này xưa có một cây mận cổ thụ, chim chóc đi về. Một dạo mấy năm liền, cứ đúng vào chầu tháng Giêng, là có một con oanh tới đậu trên cành, hót lên mấy tiếng rồi bay đi (*). Năm 1941, tôi còn nhớ, nó tới sớm, vào khoảng tháng Chạp năm trước, hót, rồi bay đi, tháng Giêng không trở lại. Năm ấy Hàn Mặc Tử mất. Rồi Bích Khê mất. Con chim không bao giờ trở lại nữa. Tôi cũng đã tới độ bình tâm để nghiệm ra rằng có một thứ gì đó trong đời tôi lớn hơn, quí giá hơn số phận những cá nhân đang mất đi, vĩnh viễn. Rồi cây mận cũng chết, nhánh cuối cùng còn giữ lại ba chiếc lá khô. Tôi tiện khúc nhánh đó với ba chiếc lá, đặt trên bàn thờ.
... Bộ Vân Trung tức Tô Đông Pha toàn tập, 20 pho, in cuối đời Tống. Năm 47 tản cư, tôi vẫn gánh theo. Năm sau vợ ốm, con đói nheo nhóc, đành phải bán đi 19 pho, chỉ giữ lại được pho đầu. Ông có biết họ mua để làm gì không? Để đem ra chợ bán làm giấy vấn thuốc hút. Giấy vấn thuốc thời đó hiếm và có giá. Còn bốn pho đầu bộ Lữ Đường thi tập của Thái Thuận đời Lê Thánh Tông ta..."
"... Thơ Đường thì tôi có dịch đâu đó, đặc biệt của Tố Như hơn năm bài, năm 1970 in một số. Thơ Tố Như tài hoa, ý hiện trong thần, do vậy mà dịch không khó, có bài tôi chỉ dịch một tuần là xong. Thơ Thái Thuận uyển huyễn, ý ẩn trong thần, có bài dịch ba bốn năm chưa xong..."
"Trong đời thơ của mình, bác dứt khoát không chịu bước ra khỏi thơ Đường là do vậy?"
"Mênh mông , to lớm lắm ông ơi, như biển cả, không thoát ra được. Đọc thơ của người xưa sợ lắm. Ít ra, cái điều thực tế nó giúp ta được là anh nào đã đọc thơ cổ nhân ắt bỏ được tánh tự mãn."
"Học tập người xưa, đó điều bác muốn khuyên những người đi sau?"
"Không. Trái lại. Mỗi thời đại có nhà thơ của nó. Tôi có để ý tìm hiểu nền thơ hôm nay. Tôi không nhập thế từ lâu, nhưng nghe ra các giọng thơ ấy có sắc thái thời đại. Nếu được gửi một lời khuyên thì xin nhắn các nhà thơ thỉnh thoảng hãy ngước nhìn bầu trời sao, bầu thời thơ. Cổ kim đông tây, mọi sắc thái tề tựu nơi ấy, nơi Cái Đẹp. Cái đẹp là tiếng nói chung của con người, của mọi thời. Hãy nói bằng thứ tiếng ấy."

(*) Cụ Quách Tấn nhớ rất chính xác. Oanh - Vàng Anh - là giống chim xứ lạnh, sống miền Bắc Trung Quốc và Triều Tiên. (Những trang thơ cổ ríu rít tiếng oanh vì thế). Chim trú đông phương Nam, đầu xuân quay về Bắc, vùng ranh thiên di chỉ đến quê Nguyễn Du là cùng (con oanh trong những trang Kiều là một con oanh có thật), ít khi oanh vào đến Nha Trang. Đây quả là cái duyên của nhà thơ (C.L.) 

Không có nhận xét nào: