Rau muống tháng Chín, nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn.
(Tục ngữ Việt Nam)
(Tục ngữ Việt Nam)
Cô con gái học chuyên văn hỏi bố:
- Bố ơi! Bố giải thích dùm con câu tục ngữ “Rau muống tháng chín, nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn” là thế nào?
- Có gì đâu mà không hiểu. Tháng 9 đã hết mùa rau muống, cho nên rau muống trở nên hiếm. Câu này là người ta muốn ca ngợi những người con dâu hiếu thảo trong cảnh nghèo. Thứ gì ngon, hiếm thì nhịn miệng dâng mẹ chồng, con hiểu chưa?
- Con hiểu rồi ạ.
Nghe thế, vợ anh chõ vào:
- Anh giải thích thế mà cũng đòi giải thích. Tháng 9 đã hết mùa rau muống, đúng! Nên rau muống tháng 9 là loại rau già, rau còi, ăn vừa xơ vừa chát. Dẫu có hiếm cũng chẳng quý báu gì. Câu tục ngữ này không phải ca ngợi mà là câu mỉa mai những người con dâu xảo trá, bề ngoài tưởng là hiếu thảo mà thực ra trong bụng thì chẳng ra gì. Con hiểu chưa nào?
- Dân gian người ta nôm na, chất phác chứ đâu quen xoi mói, bới móc như cái đám phê bình các cô. Đọc một tác phẩm, chỉ độc chúi mũi vào tìm những là nội dung, chủ đề, tư tưởng với lại tính này tính nọ chứ chả hiểu gì về văn chương nghệ thuật cả.
- Là vì những tác phẩm như tác phẩm của anh, có tí gì là văn chương nghệ thuật đâu! Bảo người ta không biết, sao mấy lần cứ nài người ta viết giới thiệu tác phẩm cho?
- Chân quê lại muốn xỏ giày. Mắt lòa cũng cứ loay hoay muốn nhìn.
- Phải! Quê đấy! Mùa lòa đấy! Biết thế sao ngày xưa cứ lăn vào con quê, con mù này. Còn nhớ đã khóc bao nhiêu lần rồi không?
Cứ thế … “Bản tình ca trí tuệ” mỗi lúc một cao dần, gay gắt dần, và đây là những “nốt nhạc cuối cùng” của nó:
- Được! Đã thế thì ly hôn.
- Cảm ơn! Viết đơn đi! Xin ký ngay.
Những ngày sau đó chẳng ai muốn nói chuyện với ai. Tối đến, họ ngủ riêng mỗi người một giường….
Theo thống kê của tòa án chuyên xử ly hôn thì có 80% các cuộc ly hôn đều bắt đầu từ những mâu thuẫn, chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh như thế. Chẳng ai chịu rút quân khỏi mặt trận máu lửa cả!
Câu chuyện trên đây mình đọc đã lâu lắm rồi. Còn nhớ, để nhấn mạnh nội dung câu chuyện, đoạn mở đầu giới thiệu thế này: Gia đình kia trí thức. Chồng là nhà văn nổi tiếng, hội viên hội này hội nọ. Vợ là nhà phê bình văn học, không kém tiếng tăm, tiến sĩ ngữ văn. Đúng tiêu chuẩn 2 con. Con đầu lòng "ruộng sâu trâu nái không bằng", giỏi ngoan, học chuyên văn. Con trai thứ lanh lợi, đứng đầu lớp chuyên toán.
Người ngoài nhìn vào chỉ những ghen tỵ. Ngày đẹp trời kia con gái rượu hỏi bố, như chuyện đã chép lại ở trên.
Đọc chuyện rồi, mình đâm thắc mắc ý nghĩa câu tục ngữ, hiểu thế nào cho đúng. Không ít lần đem kể cho các bạn nghe. Mong tìm lời đáp. Nhưng từ các cậu bạn chuyên toán đến các cô bạn chuyên văn, thảy đều cười. Không trả lời.
Tụi nó thật là, chẳng đứa nào xứng đi thi Ai là triệu phú. Chương trình này, trên TV, lẽ ra rất hấp dẫn. Bản quyền nước ngoài. Từng được đưa vào bộ phim tuyệt tác Triệu phú ổ chuột.
Tiếc là phiên bản tiếng Việt không đạt. Đã lâu mình chẳng ngó đến. Một phần gã dẫn chương trình kém đáng yêu. Song phải nói nguyên nhân lớn là ở kho câu hỏi dưới mức gọi là tệ. Xem cốt thích thú với kiến thức, mà không được. Văn hóa xã hội nay buồn sao!
Hôm rồi nhàn cư thế nào lại liếc qua. Tình cờ gặp đúng cố ... không phải nhân mà là câu tục ngữ. Bốn khả năng lựa chọn là: thương nhau - gần gũi - nhường nhịn - ghét nhau. Nghĩ bụng: chẳng cần chuyên văn, biết toán tý là suy được. Ba khả năng kia giống nhau, trúng một chẳng hóa đúng cả ba? Thành đáp án hẳn là ghét. Quả nhiên thế.
Chương trình kiểu kia thì có sai cũng chả lạ. Thử Google kiểm tra phát. Hóa cũng không ít người tò mò như mình. Có điều những câu trả lời cãi nhau, kết quả hầu như bất phân thắng bại. Có bạn chép nguyên chuyện mà mình chép lại của bạn ý ở trên, được đánh giá là câu trả lời hay nhất trong Yahoo! Hỏi & Đáp. Mình thấy một ý kiến thuyết phục nhất là bảo: ghét nhau, dẫn theo Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam.
Vậy là, nói có sách. Dẫu sách xứ ta cũng chẳng mấy đáng tin. Âu cũng là một căn cứ. Hẳn nhà đài cũng luận như thế?
Ông nhà văn trong chuyện kể trên không phải không có lý. Tiếc là sách lại thiên về người Việt xấu xí ...
Phải chăng, đúng thực là xấu xí ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét