Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

Ngô Bảo Châu đã làm gì?

“Thâm nhập” hành trình chứng minh Bổ đề cơ bản của Ngô Bảo Châu

Hãy cùng nghe Joe “văn học hóa” hành trình chứng minh “Bổ đề cơ bản” của giáo sư Ngô Bảo Châu, để hiểu một cách chân phương nhất, đời thường nhất những gì nhà toán học đã làm được để đưa anh đến với giải thưởng Fields danh giá.

Vừa rồi báo chí kể nhiều về giáo sư Ngô Bảo Châu. Bố, mẹ anh làm gì, trước đây anh học ở đâu và được giải thưởng gì. Anh đã nhận giải thưởng Fields ở thành phố nào, được ai trao tặng huy chương. Thậm chí báo chí có nói công trình của anh dày 169 trang (169 trang cơ!), và tên của nhà xuất bản phát hành tạp chí đã công bố công trình đó.

Tuy nhiên, báo chí ít nhắc đến nội dung công việc anh ấy đã làm – công việc khiến anh ấy được chọn là người xứng đáng nhận giải thưởng Fields. “Nói chung anh ấy giỏi toán”, là khái niệm sơ sơ của đa số tác giả viết bài liên quan. Khái niệm đó thường được thể hiện bằng ngôn ngữ rất hoành tráng, nhưng vẫn là khái niệm sơ sơ.

Các tác giả thường dừng lại ở câu “Ngô Bảo Châu đã chứng minh được “Bổ đề cơ bản” (thỉnh thoảng cho chút tiếng Pháp vào cho oách: “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie”). Nhưng “Bổ đề cơ bản”là gì và vì saochứng minh nó?

Tôi không giỏi toán nhưng tôi nghĩ các vấn đề khoa học có thể được thể hiện bằng ngôn ngữ thú vị và dễ hiểu nếu tác giả bỏ chút thời gian nghiên cứu. Tôi đã nghiên cứu và thấy câu chuyện thật thú vị, không kể cho các bạn nghe thì...phí quá!

Câu chuyện bắt đầu như thế này. Cách đây rất lâu các nhà toán học đã công bố hai lý thuyết quan trọng: lý thuyết số học và lý thuyết nhóm (number theory, group theory). Bản chất của hai lý thuyết đó tôi sẽ để cho bác “Wiki” giải thích – điều nên nhớ là (a) hai lý thuyết ấy rất quan trọng trong thế giới toán học và (b) hai lý thuyết ấy từ xa nhìn riêng biệt với nhau, như hai cành của một thân cây.

Cách đây khoảng 30 năm, một nhà toán học Canada tên Robert Langlands đã công bố rằng ông ấy nghĩ hai lý thuyết ấy có sự liên quan rất đa dạng. Quan điểm của Robert (và cách thể hiện quan điểm đó) đã làm cho nhiều nhà toán học thực sự choáng! Robert cũng tự làm choáng mình nữa – ông phát biểu rằng sẽ mất mấy thế hệ để chứng minh sự liên quan đa dạng mà ông ấy cho rằng có tồn tại.

“Nhưng bước đầu tiên sẽ tương đối dễ thực hiện”, ông Robert tự tin nói với đồng nghiệp.

“Bước đầu tiên” đó Robert đặt tên là "fundamental lemma”, và đó chính là “Bổ đề cơ bản” mà các bạn nghe kể nhiều thời gian gần đây.

Ông Robert tựa như đang đứng trên đảo nhỏ. Nhìn về phía Đông là một con tàu lớn. Nhìn về phía Tây cũng là một con tàu lớn. (Hai tàu không có người lái, trôi trên mặt biển.) Robert không nhìn kỹ được nhưng vẫn cho rằng hai con tàu đó có nhiều điểm chung. Có khi sản xuất cùng loại thép. Có khi chân vịt cùng cỡ. Có khi bánh lái của “tàu Đông” hướng về phía tay phải thì bánh lái của “tàu Tây” sẽ tự động hướng về phía tay trái.

Khỏi phải nói hai con tàu đó là lý thuyết số học và lý thuyết nhóm.

Với Robert, việc chứng minh “bổ đề cơ bản” có thể so sánh với việc ném hai sợi dây có móc sang hai tàu. Khi việc đó làm xong, các nhà toán học khỏe mạnh có thể đứng trên đảo cùng Robert, dùng dây kéo hai tàu gần nhau. (Khi đó mới nhìn kỹ được, tìm ra sự liên quan.) Việc kéo hai con tàu gần nhau và so sánh là việc Robert nghĩ sẽ mất mấy thế hệ. Nhưng việc ném hai sợi dây có móc đó ông Robert nghĩ sẽ nhanh thôi.

Nhưng ông Robert đã nhầm. Việc ném dây khó lắm. Robert cùng một số em sinh viên đã ném thử mấy lần nhưng lần nào cũng thất bại. Họ chỉ biết ném gần (không chính xác được) và dùng dây loại mỏng.

Đảo của Robert trở thành đảo nổi tiếng. Suốt 30 năm có rất nhiều nhà toán học sang “ném thử” Ai cũng lau mồ hôi và kêu lên “khó quá!” Nhiều nhà toán học trên đất liền chuẩn bị công cụ dùng để kiểm tra và so sánh hai con tàu lúc được kéo về đảo (kéo gần nhau!). Họ sản xuất máy để kiểm tra loại sơn, lập trình phần mềm để phân tích hai chân vịt. Thậm chí có người tập lái tàu và tập cách đứng trên boong tàu để không bị say sóng. Những công việc và sự tập luyện đó sẽ thành vô nghĩa nếu không có người ném dây chính xác.

Và rồi xuất hiện anh Ngô Bảo Châu. Nghe kể về đảo của Robert, anh bơi sang xin ném thử. “Được chứ!”, các nhà toán học giỏi nhất thế giới động viên. “Anh cứ thử thoải mái đi, thử mấy lần cũng được, thử xong ngồi cùng chúng tôi uống trà đá nhé!”

Anh Châu ném thử một lần, ném rất mạnh, dùng loại dây nặng nhất. Các nhà toán học kia đứng lên ngạc nhiên, nhiều cốc trà đá rơi xuống đất. Cách ném của anh Châu rất lạ; anh dùng kỹ thuật đặc biệt mà chưa ai thấy bao giờ. “Ném thật đi anh ơi!”, các nhà toán học động viên tiếp. “Biết đâu anh sẽ là nhà toán học đầu tiên bắt tàu hai tay!”

Ngô Bảo Châu ném thật. Và chính xác. Hai cái móc dính vào hai con tàu ngay, mọi người vỗ tay ầm ĩ. Rồi anh Châu bảo các nhà toán học đứng trên đảo Robert cầm dây giúp (và bắt đầu kéo hai tàu gần nhau), để anh ấy có thể đi sang Ấn Độ nhận giải thưởng Fields.

Câu chuyện kết thúc tại đây.

Chứng minh “Bổ đề cơ bản” là một trong những thành công lớn nhất của toán học hiện đại, được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009. Vì Ngô Bảo Châu đã hoàn thành việc này, nên những năm tới đây các nhà khoa học thế giới có thể tự tin nghiên cứu sự liên quan giữa lý thuyết số học và lý thuyết nhóm. Đó thực sự là một thành đạt tuyệt vời – cả Việt Nam nên tự hào về người ném dây có tên Ngô Bảo Châu.

Joe

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Dỏm, Ốc và Hến

Dỏm ở đây là nói chuyện bằng cấp của các bác vừa bị lộ.
Chuyện xưa hơn Diễm.
Nhưng cấp độ có tiến bộ. Xưa bằng dỏm. Nay bằng "thiệt" của trường dỏm. Sắp tới bằng thiệt của trường thiệt hợp tác với trường dỏm.
Chỉ có tiến chớ chẳng có lùi.

Vấn đề là dỏm vẫn xài tốt. Có câu: có cầu ắt có cung.
Cụ thượng cựu chả đã muốn tiến sĩ nhiều như xe gắn máy ngoài đường?
Xe gắn máy nhiều nhờ xe Tàu. Dỏm dỏm mà dân cũng bon nhanh trên đường gập ghềnh. Vậy quan cưỡi bằng dỏm chẳng thênh thang hoạn lộ?

(Sở dĩ nói chuyện cũ rích cũ rơ này bởi tội đọc báo. Đã trót đọc thì điểm thêm chuyện thật, đối cho nó chỉnh.
Chuyện giáo sư NBC. Phó tể cựu thượng mời GS làm việc. Đăng trên Vnexpress.
Đáng nói ở chỗ ý kiến bạn đọc. Bên cạnh những người hô khẩu hiệu (ngờ rằng không mấy người biết GS làm gì) có nhiều người đặt câu hỏi thiết thực: GS sẽ làm gì trong nước?)

Xưa có tuồng Nghêu Sò Ốc Hến.

Nghe thầy bói Nghêu xui, Ốc ăn trộm của trùm Sò đem bán cho thị Hến. Chuyện đến cửa quan, quan nọc Ốc ra đánh. Ốc kêu la:
Đau quá quan lớn ơi,
Thị Hến ơi thị Hến,
Xong vụ này về tao đốt cái nhà mày.
Hến:
Chú này nói hay chưa,
Chú bán tôi mua,
Có đâu không mà tôi nói có.

Quả là chú bán tôi mua. Không có người mua sao có người ăn trộm?
Chỉ tội anh chàng (ng)Ốc phải đòn. Chứ thị Hến thì đong đưa cùng lý trưởng, thầy đề với quan huyện.
Trùm Sò không bằng được, đến mất của. Nếu có ngày lạc vào nhà các quan, Sò phải mắt chữ O như anh thày bói sợ ma: sao xôi giống xôi, thịt giống thịt?

Xôi thịt chẳng là xôi thịt thì là gì?

The Age Demanded

The age demanded that we sing
and cut away our tongue.
The age demanded that we flow
and hammered in the bung.
The age demanded that we dance
and jammed us into iron pants.
And in the end the age was handed
the sort of shit it demanded.
Paris 1922
Ernest Hemingway
(Chép lại để đấy.)

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2010

Rau muống tháng Chín

Rau muống tháng Chín, nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn.
(Tục ngữ Việt Nam)

Cô con gái học chuyên văn hỏi bố:
- Bố ơi! Bố giải thích dùm con câu tục ngữ “Rau muống tháng chín, nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn” là thế nào?
- Có gì đâu mà không hiểu. Tháng 9 đã hết mùa rau muống, cho nên rau muống trở nên hiếm. Câu này là người ta muốn ca ngợi những người con dâu hiếu thảo trong cảnh nghèo. Thứ gì ngon, hiếm thì nhịn miệng dâng mẹ chồng, con hiểu chưa?
- Con hiểu rồi ạ.
Nghe thế, vợ anh chõ vào:
- Anh giải thích thế mà cũng đòi giải thích. Tháng 9 đã hết mùa rau muống, đúng! Nên rau muống tháng 9 là loại rau già, rau còi, ăn vừa xơ vừa chát. Dẫu có hiếm cũng chẳng quý báu gì. Câu tục ngữ này không phải ca ngợi mà là câu mỉa mai những người con dâu xảo trá, bề ngoài tưởng là hiếu thảo mà thực ra trong bụng thì chẳng ra gì. Con hiểu chưa nào?
- Dân gian người ta nôm na, chất phác chứ đâu quen xoi mói, bới móc như cái đám phê bình các cô. Đọc một tác phẩm, chỉ độc chúi mũi vào tìm những là nội dung, chủ đề, tư tưởng với lại tính này tính nọ chứ chả hiểu gì về văn chương nghệ thuật cả.
- Là vì những tác phẩm như tác phẩm của anh, có tí gì là văn chương nghệ thuật đâu! Bảo người ta không biết, sao mấy lần cứ nài người ta viết giới thiệu tác phẩm cho?
- Chân quê lại muốn xỏ giày. Mắt lòa cũng cứ loay hoay muốn nhìn.
- Phải! Quê đấy! Mùa lòa đấy! Biết thế sao ngày xưa cứ lăn vào con quê, con mù này. Còn nhớ đã khóc bao nhiêu lần rồi không?
Cứ thế … “Bản tình ca trí tuệ” mỗi lúc một cao dần, gay gắt dần, và đây là những “nốt nhạc cuối cùng” của nó:
- Được! Đã thế thì ly hôn.
- Cảm ơn! Viết đơn đi! Xin ký ngay.
Những ngày sau đó chẳng ai muốn nói chuyện với ai. Tối đến, họ ngủ riêng mỗi người một giường….

Theo thống kê của tòa án chuyên xử ly hôn thì có 80% các cuộc ly hôn đều bắt đầu từ những mâu thuẫn, chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh như thế. Chẳng ai chịu rút quân khỏi mặt trận máu lửa cả!

Câu chuyện trên đây mình đọc đã lâu lắm rồi. Còn nhớ, để nhấn mạnh nội dung câu chuyện, đoạn mở đầu giới thiệu thế này: Gia đình kia trí thức. Chồng là nhà văn nổi tiếng, hội viên hội này hội nọ. Vợ là nhà phê bình văn học, không kém tiếng tăm, tiến sĩ ngữ văn. Đúng tiêu chuẩn 2 con. Con đầu lòng "ruộng sâu trâu nái không bằng", giỏi ngoan, học chuyên văn. Con trai thứ lanh lợi, đứng đầu lớp chuyên toán.
Người ngoài nhìn vào chỉ những ghen tỵ. Ngày đẹp trời kia con gái rượu hỏi bố, như chuyện đã chép lại ở trên.

Đọc chuyện rồi, mình đâm thắc mắc ý nghĩa câu tục ngữ, hiểu thế nào cho đúng. Không ít lần đem kể cho các bạn nghe. Mong tìm lời đáp. Nhưng từ các cậu bạn chuyên toán đến các cô bạn chuyên văn, thảy đều cười. Không trả lời.
Tụi nó thật là, chẳng đứa nào xứng đi thi Ai là triệu phú. Chương trình này, trên TV, lẽ ra rất hấp dẫn. Bản quyền nước ngoài. Từng được đưa vào bộ phim tuyệt tác Triệu phú ổ chuột.
Tiếc là phiên bản tiếng Việt không đạt. Đã lâu mình chẳng ngó đến. Một phần gã dẫn chương trình kém đáng yêu. Song phải nói nguyên nhân lớn là ở kho câu hỏi dưới mức gọi là tệ. Xem cốt thích thú với kiến thức, mà không được. Văn hóa xã hội nay buồn sao!
Hôm rồi nhàn cư thế nào lại liếc qua. Tình cờ gặp đúng cố ... không phải nhân mà là câu tục ngữ. Bốn khả năng lựa chọn là: thương nhau - gần gũi - nhường nhịn - ghét nhau. Nghĩ bụng: chẳng cần chuyên văn, biết toán tý là suy được. Ba khả năng kia giống nhau, trúng một chẳng hóa đúng cả ba? Thành đáp án hẳn là ghét. Quả nhiên thế.
Chương trình kiểu kia thì có sai cũng chả lạ. Thử Google kiểm tra phát. Hóa cũng không ít người tò mò như mình. Có điều những câu trả lời cãi nhau, kết quả hầu như bất phân thắng bại. Có bạn chép nguyên chuyện mà mình chép lại của bạn ý ở trên, được đánh giá là câu trả lời hay nhất trong Yahoo! Hỏi & Đáp. Mình thấy một ý kiến thuyết phục nhất là bảo: ghét nhau, dẫn theo Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam.
Vậy là, nói có sách. Dẫu sách xứ ta cũng chẳng mấy đáng tin. Âu cũng là một căn cứ. Hẳn nhà đài cũng luận như thế?

Ông nhà văn trong chuyện kể trên không phải không có lý. Tiếc là sách lại thiên về người Việt xấu xí ...
Phải chăng, đúng thực là xấu xí ...