Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2008

Ngồi buồn

Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói bay tới tận thiên tào
Ngọc Hoàng phán hỏi: Đứa nào đốt rơm?

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2008

Tà dương giải la y


Một ngày vui vui.

Nắng nhè nhẹ.
Lạnh se se.

Dự định mới.
Suy nghĩ mới.

Đọc thêm một bài Hán tự bài cú nữa.
Bài này Bùi Giáng tiên sinh dịch như vầy:

Tà dương giải thích xiêm y
Hoa nghiêm vi tiếu thuận tùy niêm hoa
Pháp tuyền gột bụi ta bà
Toàn phiên như thể như hà nhiên nhiên

Mình thấy khó hiểu như tiếng ... Triều Tiên (!).
Quay ra thử ngâm cứu bản tiếng Hán (?).

斜陽解羅衣
華嚴微笑自然意
法泉洗塵埃


Tà dương giải la y
Hoa nghiêm vi tiếu tự nhiên ý
Pháp tuyền tẩy trần ai

Tà dương thường được hiểu là ánh mặt trời buổi chiều. Nhưng sát nghĩa có thể hiểu là ánh nắng chiếu xiên.
Y là áo. Mà la y là áo mỏng. Chữ la này chính là "là" trong "lụa là". Lại cũng có nghĩa là lưới (!?).
Và giải thì có một nghĩa đơn giản. Như là cởi, đối lập với buộc.

Hẳn một cô thiếu nữ hớ hênh đã khiến bậc hoa nghiêm cũng phải mỉm cười (?!). Và đêm về sám tội (!!).

Thiện tai, thiện tai.

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2008

Nguyễn Tuân - Đánh thơ (2)

Đêm hôm đó người ta bày cuộc đánh thơ ở nhà ông Kinh Lịch. Mọi người tụ tập ở đấy đều lấy thế làm vừa lòng. Vì, ít ra, ở đây, người ta cũng chơi bời có phần được tự nhiên hơn ở trong dinh các cụ. Ông Kinh Lịch là một người trọng cái sạch sẽ của tâm hồn, nói to cùng mọi người là ông không thu tiền hồ. Ông chỉ yêu cầu ai được thơ nhiều nhất thì nên cho người lão bộc nhà ông một số tiền nhỏ mọn để đền lại cái công nó làm dầu, làm đèn, nấu cháo và bưng điếu. Ông Kinh lại còn khẩn khoản với mọi người đừng nên làm huyên náo nhà cửa lên. Ông vui vẻ nói:
- Đã hay rằng vớ được câu thơ hay, ai mà chẳng muốn ngâm vang lên. Thứ nhất lại ngâm vang câu thơ thả mình vừa đánh trúng cái chữ hiểm hóc, thì ai mà bụm miệng được. Một người ngâm, cả làng phụ họa vào, ồn ào bằng vỡ chợ, cái đó cũng là thường tình. Nhưng, tôi xin các ngài biết cho là chúng ta ở trong thành, gần ba dinh Cụ Lớn, mình không nên làm náo động quá. Bình khe khẽ, đủ nghe với nhau thôi.
Cả một lũ con bạc lên mặt tài giỏi, nhìn ông Kinh Lịch cười hóm hỉnh và khoan thai bước vào chiếu giữa. Ông Kinh Lịch châm thêm dăm bảy cây sáp nữa đã gắn sẵn vào đế đèn đồng. Tất cả thành thử đến hơn mười cây nến, chung nhiệt độ lại để tăng bốc cái mùi thơm gắt ngát của một bình hoa rộng miệng chứa gần trăm gốc huệ trắng. Hoa huệ mãn khai cuộn cong đầu cánh trắng lại như những râu rồng và gặp tiết đêm, gặp sức nóng của nến cháy, của người thở mạnh, của hơi thở dồn vang càng hết sức nhả mùi hương. Không khí đều là huệ hết cả, có người rít mạnh mồi thuốc lào, đã lầm rằng thuốc của mình là ướp ủ bằng hoa huệ. Hơi huệ ngùn ngụt bốc lên, quyện lấy mùi dầu dừa nơi mái tóc Mộng Liên. Mộng Liên mặc chiếc áo màu hỏa hoàng ngồi ép sát vào chồng, mặc một chiếc áo lụa năm thân nhuộm màu khói nhang đột chỉ trứng rận. Ông Phó Sứ vừa gỡ túi thơ vừa hỏi làng:
- Dạ thưa, có đánh thơ cổ phong không? Và có đánh chữ chân không?
Một con bạc ít tuổi và chừng như mới tập tõng lối chơi chữ này, hỏi lại:
- Đánh thơ cổ phong? Thôi, nếu thả thơ cổ phong thì anh em ở đây đưa tiền cho ông tiêu hết. Còn đánh chữ chân là thế nào?
Ông Kinh Lịch đang nằm bên khay đèn, ngồi nhổm dậy nói chõ xuống chiếu dưới:
- Cái ông thừa nhà tôi đến hay lẩm cẩm. Đã đi đánh thơ đòi ăn tiền thiên hạ, còn hỏi lục vấn thế nào là chữ chân. Thưa ông, câu thơ bảy chữ, đem vòng chữ thứ bảy cuối cùng cho làng đánh, thế gọi là đánh chữ chân ạ.
- Nếu thế thì đánh cả chữ trắc và cả chữ bằng à? Thôi, xin làng cứ theo như lệ mọi khi mà đánh. Đây, chúng tôi không phải là thi bá, không dám đánh chữ vần, chữ chân.
Ông Phó Sứ và Mộng Liên nhìn nhau cười; vợ chồng có ý bảo thầm nhau rằng làng cũng khôn đấy nên mới không dám trêu vào lối đánh thơ hiểm hóc này.
Lá thơ đầu tiên đã ra khỏi miệng túi gấm vẫn khư khư nằm trong tay Mộng Liên. Cả làng chăm chú nhìn và ngâm ngợi và ngẫm nghĩ. Cái gì mà ".... thượng, mai khai, xuân hựu lão"? Cuối lá thơ thả, có sẵn năm chữ thả viết xương kính: tái, sơn, đình, mộ, Văn. Cả làng ngâm:
- "Vòng" thượng, mai khai, xuân hựu lão.
Vẫn lời cái ông thừa trẻ:
- Tái, sơn, đình, mộ, Văn. Ta đánh chữ tái "Tái thượng, mai khai, xuân hựu lão". Hoa mai... nở trên mặt ngọn ải... xuân lại già nữa.
Nghĩ ngợi lâu, ông thừa trẻ trở nên do dự. Thấy ông Thông phán tỉnh, người có tuổi và vốn sành về môn thơ thả, đánh chữ Văn, ông tỏ ý ngạc nhiên:
- Văn thượng, mai khai, xuân hựu lão. Quái nhỉ! Sao lại Văn?
Rồi ông thừa cứ mân mê mãi cọc tiền, không biết nên đặt chữ gì để ông Phó Sứ phải sốt tiết lên cắt nghĩa hộ cho bằng vẻ lễ phép ngụ nhiều ngạo mạn kín đáo.
- Thưa ngài, Văn là con sông Văn chảy qua đất Lỗ, quê đức Thánh Khổng. "Mai nở trên sông Văn, xuân lại già". Cụ Phán tỉnh đánh thơ như thế, câu đó ngài cho làm lạ lắm sao?
Và, xem chừng cả làng cũng không có một ai đánh thêm được đồng nào nữa, ông Phó Sứ xin làng cho phép ông được thổi lá thơ cuộn tròn để tuyên bố cái kết quả tiếng bạc đầu tiên. Ông đã nhẹ nhàng cầm lá thơ, phồng má định thổi phù một cái. Một vài người vội vàng vứt thêm tiền đặt vào mấy chữ tái, sơn, đình. Chỉ có chữ mộ là không ai đánh cả.
Mộng Liên ngồi đánh được một phần ba bản đàn Nam bình (bị kiểm duyệt mất).
Thế rồi tiếng bạc mở.
Và cả làng đều ngã ngửa ra khi đọc rõ lá thơ thả kia là câu: "Mộ thượng, mai khai, xuân hựu lão". Cả làng nhao nhao:
- Ô, cổ nhân dùng chữ ác thật. Hoa mai nở trên nấm mồ, xuân càng già. Thơ phú thế có giết người không? Ai biết đằng mô mà lần, mà đoán.
Ông Phó Sứ trước khi vơ tiền cả làng, vì không ai đánh chữ mộ, ông đã vội trình với làng một trang sách thơ mở rộng. Và tay vừa chỉ một dòng chữ in nhỏ, mồm vừa nói:
- Thưa với làng, câu này lấy ở bài Tọa phóng hạc đình của Từ Dạ.
Bao nhiêu bộ mặt tâng hẩng đều cúi cả vào trang cổ thi và ề à ngâm lại:
- "Mộ thượng mai khai, xuân hựu lão
Đình biên hạc khứ, khách không hoàn".
Hay, hay thiệt.
Ông Kinh Lịch đêm ấy thua to. Ông truyền cho người cuốn chiếu bạc và ân cần dặn vợ chồng ông Phó Sứ tháng sau có trở lại thì thế nào cũng phải tổ chức cuộc thả thơ ở ngay nhà ông cho ông gỡ lại. Ông còn nằn nì xin ông Phó Sứ làm quà cho mình tất cả những lá thơ đã dùng đánh suốt một đêm qua. Thấy nhà cái trù trừ, ông Kinh Lịch nói dỗi:
- Có cho, thì tôi giữ làm chút kỷ niệm.
Ông Phó Sứ cười, trao vào tay ông Kinh mấy chục lá thơ đã dùng đến nhầu nát rồi và thắt chặt lại miệng túi gấm còn đựng đến gần trăm lá thơ khác chưa dùng đến còn phong kín cái bí mật một chữ thơ. Rồi nhà cái nhà con chắp tay từ biệt nhau với một câu đính ước: "Cữ thượng tuần tháng sau, xin lại gặp nhau ở đây nữa".

Nhưng ngày thượng tuần tháng sau, ông Phó Sứ và Mộng Liên không trở lại. Rồi quá cữ trung tuần, rồi qua luôn cả cữ hạ tuần. Nhiều khách thả thơ đã dầy công chờ đợi vợ chồng ông như một cái bóng chim như một cái tăm cá.
Một hôm có người ở kinh ra, nói chuyện cùng ông Kinh Lịch:
- Ông Phó Sứ chết ở chân Đèo Ngang rồi. Mộng Liên giờ là người góa và đang lúng túng tìm người giữ cho cây đàn. Số là đi qua Hoành sơn quan, thấy cảnh đẹp, lòng sinh tình, hai ông mụ đã yêu nhau giữa một vùng trời nước bao la. Ngay chỗ dưới chân ngọn tường ải có chữ "Đệ nhất hùng quan" của đức Thánh tổ ngự phê ấy, ông ạ. Trúng cơn gió độc, ông Phó Sứ đã hóa ra ma chết đường. Mộ để sát ngay bên đường thiên lý. Cái giống ma trơi này, sẽ thiêng vô cùng. Rồi đây những lúc thanh vắng, những lúc trăng bãi gió ngàn, hồn ma tha hồ mà trêu ghẹo khách bộ hành vô Kinh đấy ông ạ. Cám cảnh cho lão, đâu có bậc thời sĩ quê vùng Ngũ Quảng có làm đôi câu đối điếu. Xin đọc ông nghe:
Ra Bắc vào Nam, trăng gió đề huề thơ một túi,
Lên đèo xuống ải, mây mưa đánh đổ cuộc trăm năm.

Nguyễn Tuân - Đánh thơ (1)

Giữa quãng cuối đời vua Thành Thái và đầu đời Hoàng Tôn Tuyên hoàng đế, đất Thuận Hóa có ba người đàn bà rất đẹp và rất lẳng lơ.
Bằng cái sắc, bằng tiếng ca, bằng cái tiểu xảo, bằng cái duyên lúc kín đáo, lúc lộ liễu, ba người đàn bà đẹp ấy đã thừa tô điểm cho xứ Huế trong một thời.
Cái thời ấy là thời của Nhà nước Bảo hộ tạm gọi là yên trong cuộc bình định. Nơi quê hương, vào những ngày u hoài âm ỉ, gió Đông Bắc còn gửi mãi về cái mùi diêm sinh đem từ ngoài bờ cõi vào. Nhưng, mặc kệ, dưới chân một nếp hoàng thành, bên bờ một con sông nước không bao giờ có sóng, mỗi ngày vẫn có ba người đàn bà ca hát từ lúc mặt trời tắt cho đến lúc mặt trời mọc. Tiếng đàn hát trên mặt nước một con sông nông lòng và không gợn chút tăm cá, đã vẳng đưa ra rất rộng. Thấy thế, một vài ông già mặc áo vải, mỗi lúc chống gậy trúc ra bến, ngắm bóng nắng tàn rụng phía bên tả ngạn sông Hương, đã thốt ra những lời than thở.
Nhưng, giọt lệ già của người mặc áo vải rỏ rơi xuống thì cát nơi bãi sông cứ việc thấm hút và uống cạn. Và có một cái gì vẫn còn lại mãi mãi ở hai bờ sông Hương thì vẫn chỉ là những tiếng hát. Tiếng đàn hát của giai nhân.
Họ là một bộ ba có ba cái tên rất đẹp, rất thơ mộng: một người là Mộng Liên, một người là Mộng Huyền và một người nữa tên là Mộng Thu. ở Huế, những cái miệng tuổi tác đã bắt đầu theo thị hiếu mà nói luôn luôn đến ba cái Mộng xinh kia và luôn luôn tấm tắc: "Thần kinh hữu tam Mộng".
Giữa cái thế giới đàn sáo của thành đô, ba cái Mộng xinh đẹp mỗi đêm rải rác ra mọi bến đò tản mát ở dọc sông Hương, những cái sở đắc về thanh và sắc của mình.
Nước một con sông hiền lành đẩy nhẹ cánh hoa vô định lừ đừ trôi một mình theo những cái xoáy nước yếu đuối. Mỗi đêm, ba cái Mộng gõ một nhịp phách, bấm một dây tơ và để rồi phá cười lên vài trận. Để cho cái xã hội đàn ông mặc áo xanh ẩm ướt phải thèm muốn. Thế rồi trong một đêm tốt đẹp, có một ông Phó Sứ giữ lăng, đã đứng lên làm chủ cho một cái Mộng. Mộng Liên đã về hẳn với quan Phó Sứ.
Một cái miệng cười, mười ngón tay tháp bút trước kia là của chung thiên hạ, bởi vì nó không có sở cứ, bây giờ đã trở nên của riêng một nhà. Cặp vợ chồng ấy là một lứa đôi tài tử.
Ông bà Phó Sứ giữ lăng không mấy khi ở yên một chỗ.
Cái nghề của họ buộc họ phải xê dịch luôn luôn và mãi mãi. Suốt một dải Trung kỳ, họ đi về như là trẩy chợ. Tới mỗi nơi, ở mọi chốn, quan Phó Sứ lại mở một cái túi đựng toàn bài thơ đố ra cho mọi người đặt tiền và bên chiếu bạc văn chương, Mộng Liên lại đàn, lại ca để làm vui cho cuộc đỏ đen rất trí thức này.
Mỗi tuần trăng, cặp tài tử này ở một tỉnh. Cái chiếu bạc thả thơ của họ thường trải ở một phủ nha, huyện nha hay là nơi tư thất một đốc bộ đường. Bất kể lúc lên voi, lúc xuống chó, lứa đôi này đã để dấu giầy trên mọi chốn và tha lê đi khắp nơi cái túi thơ và cái túi phách ăn người của họ. Họ nhờ vả cổ thi, kiếm ra cũng được rất nhiều tiền. Nhưng cái giống lãng tử cầm tiền thường không nóng lòng bàn tay và có mấy khi họ nghĩ đến sự bảo hiểm cho ngày mai của mình. Vợ chồng ông Phó Sứ chưa bao giờ nghĩ đến việc làm một cái tổ ở một chỗ nhất định nào.
Quê hương của họ là Cờ bạc và Đờn hát. Nhà cửa đôi lưu đãng ấy gửi vào trong cái truy hoan của thiên hạ. Cái lãi trong đời bấp bênh của họ là ở chỗ nhiều người đã nhắc nhỏm tới cái tên Mộng Liên và Phó Sứ, mỗi khi lứa đôi chậm tới hay là đã lâu rồi mà chưa thấy trở lại. Người đánh thơ được, người đánh thơ thua xiểng liểng, ai ai cũng đều nhớ đến họ những khi xa vắng. Hình như bấy nhiêu người đều nhận ông Phó Sứ là đáng mặt làm nhà cái cho những buổi thả thơ rất nên thơ; mở xong mỗi tiếng thơ có khi ăn thua từng mấy chục bạc, người ta đều ngâm đi ngâm lại câu thơ thả. Nhà con, nhà cái đều ngâm vang cả nhà, chừng như muốn thi nhau một cái giọng tốt, chứ đồng tiền mất đi hay thu về được gấp ba số đặt, thời có gì là đáng kể. Giữa hai tiếng bạc trên một chiếc chiếu la liệt những mảnh thơ đề, Mộng Liên đêm đêm kề đùi tựa má ông Phó Sứ, lại đánh đàn, lại ca Nam bằng, ca Nam ai.
Có lẽ không riêng gì ở một nơi, mà ở mọi nơi, những lúc sốt ruột chờ mong vợ chồng ông Phó Sứ trở lại với túi thơ, mỗi buổi gần giờ tan buổi hầu, những lúc việc quan thanh thản, bao nhiêu thầy thừa phái ở các ty Phiên, ty Niết và những ông Hậu bổ, Thông Phán tỉnh, Kinh Lịch đã nói những câu:
- Quái lạ, sao cữ này hai ông mụ đó đi lâu quá chưa trở lại thả thơ cho bọn mình chơi hè!
- Đánh thơ của lão Phó Sứ có cái rất thú là được thua chi chi, mình cũng đều lấy làm thích cả. Bởi vì lão biết chọn những câu rất hay mà thả. Mỗi lúc ngâm lên, cái hay của câu thơ đã làm cho bọn mình lạnh hết cả người.
- Chẳng thế mà quan Kinh ngài đã mấy lần phải bán lương non, thua nhẵn.
- Chơi cái gì thì chơi, chứ đến cái lối đánh thơ thả, cái nghiệp những anh đã hay chữ lại thêm tự phụ, là chỉ mãn kiếp thua không còn lấy một đồng một chữ tiền.
- Và có nhiều đứa dốt cay dốt đắng, thì lại mỏi tay vơ tiền.
- Quan bác có biết tại sao không? Đệ cho không có cái nào lợi hại bằng lão Phó Sứ. Hắn lấy ý tứ ra mà dò tiếng bạc của từng người. Nếu lão biết quan bác thích lối thơ liệu, đọc lên âm thanh và niêm luật tròn trĩnh, nhịp nhàng, thế nào lão cũng rình lão thả một đôi chữ rất quê kệch hay là khổ độc. Quan bác mấy khi lựa những chữ quê kệch mà đặt tiền. Vậy nên lão vòng những chữ rất ngớ ngẩn đó. Thế là quan bác mất nghiệp, nếu bữa đó, quan bác lại đặt tiền đến tột cửa. Và lão lại còn bán cho mấy cửa đánh những chữ ngô nghê mà lão biết trước sau mình cũng khinh rẻ.
- Kỳ tháng trước, quan Kinh phải đi khám án mạng ở vùng quê thành ra bỏ lỡ mất buổi thả thơ mà tôi rất lấy làm hứng thú. Ngài nghĩ, tôi đã bắt thóp được một câu do sự vô ý của mụ Mộng Liên. Nguyên hôm ấy, lão Phó Sứ cho thả năm chữ: cầm, thử, đan, thiếp, sầu trong một câu thơ mà lão "vòng" chữ đầu "Vòng tâm duy hữu dạ đăng tri". Kể cũng khó đánh đấy chứ. "Ngọn đèn dầu ban đêm soi tỏ, biết cho tấm lòng gì?" Lòng đàn? Lòng son? Lòng một thiếu phụ? Lòng sầu? Phân vân lạ. Bỗng tôi thấy mụ Mộng Liên ngồi cạnh, nhìn chăm chú vào chữ thả đứng đầu là chữ cầm, rồi mụ thánh thót bấm khẽ mấy tiếng đàn nguyệt. Tôi đánh ngay chữ cầm ngài ạ. Tôi đoán già là lúc ở nhà vòng chữ, chồng đưa đùi cho vợ gối, lão Phó Sứ đã bị tiếng đàn của vợ dạo lên buổi đêm ảnh hưởng nên lão mới thả chữ cầm. Và đánh chữ cầm, thế nào cũng ăn. Hôm ấy tôi đặt hai chục được sáu chục và muốn tỏ ý cám ơn người đánh đàn một cách kín đáo, hôm sau tôi đã mua biếu Mộng Liên một cây đàn nguyệt có bốn cái trục bằng ngà voi nẩy. Đấy, chơi thơ, nhiều khi tâm lý nhiều vào là ăn.
- Tâm với lý gì. Có biết thơ thả, lão Phó Sứ thường mua lại của ai không? Mua của Tào Sắt bên phủ Tuy Lý Vương! Hai ba đồng, tiền công vòng một trăm câu. Thơ Tào Sắt mà thả, thì đừng có hòng mà ăn.
- Này, các ngài có được rõ câu chuyện lão Phó Sứ dám thuê thợ bên Tàu khắc riêng cho mình mấy tấm thạch bản in thành một tập thơ mỏng không? Lão ra khuôn mẫu cho họ in nhiều câu có những chữ lạ, rất ngộ nghĩnh và mỗi khi đem câu đó ra mà thả thực không ai ngờ đến. Nhưng chỉ có khi nào đánh to lắm, lão mới giở đến bí thuật này. Lão tìm đến những quan to và có tiếng là hay chữ, lão mới thả một hai câu thật gay go. Các quan thua, đòi lão phải dẫn chứng cổ thi, lão giả vờ bịt tên sách lại, che kín lề, mép và gáy cuốn thơ, chỉ cho xem đủ cái câu thả đó và đủng đỉnh, tủm tỉm trình với cả làng rằng đó là một câu thơ Tống. Thật là rõ ràng chữ thạch bản, chữ tuy nhỏ bằng con kiến, nhưng đeo kính vào xem, chữ không nhòe lấy một nét. Nhiều người thua cay, thường chỉ tự trách mình xem cổ thi ít quá và tặc lưỡi kêu: "Cổ nhân dùng chữ úp mở uyển chuyển quá đi thôi. Họ cậy có tài, tự cho mình cái quyền hạ những chữ quá lắt léo, đem cái quyền lực của sáng tạo ra mà làm bọn mình đảo điên cả nhận thức và cả tiền bạc nữa. Còn ai biết đằng nào mà lần nữa". Ấy một năm lão Phó Sứ dùng lối thả thơ sanh tử như thế độ một đôi lần, đủ gỡ lại những bữa thua to. Chà! Nhưng mà nghĩ lắm lúc cũng tội. Vợ chồng họ nhiều khi thua nhẵn. Lắm bữa không có lấy một chữ tiền mà thửa dây đàn nữa. Và hai ông mụ phải vờ cáo bệnh nằm bệt một nơi có khi đến hàng tháng.
- Cụ Tuần trước ở đây, chơi không được lịch sự, thành thử vợ chồng ông Phó Sứ họ cũng đâm nhờn. Ai đời đi mặc cả với họ mỗi buổi đánh thơ xong, phải đưa cho mình một số nhất định là bao nhiêu, mặc dầu họ thua hay là được. Không những thế, Cụ lại còn quấy nhiễu họ giữa những tiếng bạc lớn. Lấy tiền nhà cái, lúc năm đồng, lúc mười chữ, tẹp nhẹp quá. Hình như Cụ còn chớt nhả với cả mụ Mộng Liên nữa.
- Thì cũng phải lấy hồ chút ít chứ sao? Có thế thì những buổi hội giảng đầu tháng bên tòa bên tỉnh xong, Cụ mới giữ các quan phủ huyện lại cho chớ? Vậy chớ ai trả tiền những mâm rượu linh đình giáo đầu cho mỗi cuộc thả thơ?
- Cái ông huyện Bình Khê, người trông đứng đắn thế vậy mà nhảm lạ. Ông ta chúa hay vờ vĩnh. Nhà cái chưa thả thơ xong, ông cứ vờ vĩnh giục ồn lên những là lâu và làng đặt tiền chậm như thế thì một đêm, phỏng thả được mấy câu thơ. Thế rồi ông vồ lấy lá thơ đặt ở giữa chiếu, dọa mọi người nếu không đặt tiền nhanh lên thì ông thổi tuột lá thơ ra và xin làng, nếu nghĩ lâu quá, thì đợi đến câu sau hãy đánh vậy. Mỗi lần ông cầm lên đặt xuống lá thơ, cái mẩu giấy tàu bạch cuộn tròn như tổ sâu kèn lại nới giãn dần ra một chút. Và ông đã hé nhìn được chữ gì viết trên đầu giấy, cuốn tròn tận vòng trong cùng lá thơ. Mắt ông ta nhanh như cái cắt. Có lần ông Phó Sứ vòng một chữ bút, ông huyện vờ xin thổi thế nào mà nhìn được cái nét sổ dài. Rồi là có bao nhiêu tiền đem đặt vào chữ bút đến tột cửa! Nhưng, mụ Mộng Liên xem chừng cũng hiểu, nên mỗi lần sau, ông huyện Bình Khê động tay vào lá thơ là mụ lại buông tay đàn, chận lấy giấy và nhìn trừng trừng vào giữa mặt ông huyện có tính gian giảo kia.
(còn tiếp)

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

Đại Việt sử ký toàn thư

[58a] NHÂN TÔNG TUYÊN HOÀNG ĐẾ

Tên húy là Bang Cơ, con thứ ba của Thái Tông, mẹ là Tuyên Từ hoàng thái hậu Nguyễn thị, tên húy là Anh, người làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Vua sinh năm Tân Dậu, Đại Bảo năm thứ 2 [1441], tháng 6, ngày Giáp Tuất mồng 9. Năm thứ 3 [1442], tháng 6, ngày 6 được lập làm hoàng thái tử; đến tháng 8, ngày 12 lên ngôi, đổi niên hiệu là Thái Hòa, lấy ngày sinh làm Hiến Thiên thánh tiết. Ở ngôi 17 năm, thọ 19 tuổi, táng ở Mục Lăng. Vua tuổi còn thơ ấu đã có thiên tư sáng suốt, vẻ người tuấn tú đường hoàng, dáng điệu nghiêm trang, sùng đạo Nho nghe can gián, thương người làm ruộng, yêu nuôi muôn dân, thực là bậc vua giỏi, biết giữ cơ đồ, không may bị cướp ngôi giết hại, Thương thay!

Quý Hợi, Thái Hoà, năm thứ 1 [1443], (Minh Chính Thống năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng,
ngày mồng 8, giờ Dậu, có sao sa ở phương nam. Bấy giờ vua mới ba tuổi, nên Thái hậu buông rèm coi chính sự nắm quyền đoán việc nước.

Tháng 2, ngày mồng 2, xuống chiếu rằng:
"Mới rồi trời hiện điềm tai biến như sau sa, động đất. Trẫm rất lo sợ, suy nghĩ nguyên nhân tai biến, không biết bởi đâu. Có phải vì trẫm mới cầm quyền, [58b] chưa biết giảm nhẹ lao dịch thuế khóa, có điều không lợi cho dân không? Hay là phụ quốc đại thần điều hòa trái lẽ nên khí âm dương không hài hòa mà đến thế chăng? Hay là việc ngục tụng không công bằng, hối lộ công khai, xử án còn nhiều oan uổng mà đến nỗi thế chăng? Hay là chức thú lệnh chưa được người giỏi, làm bừa trái phép, nhiễu hại dân chúng mà đến nỗi thế chăng? Hay là bọn cung nữ oán hờn chưa thả chúng ra nên hại tới hòa khí mà đến nỗi thế chăng? Có phải là bọn gièm pha âm mưu xảo quyệt, để công thần chịu oan khuất chưa được rửa oan mà đến nỗi thế chăng? Hay là vì bày việc thổ mộc, xây dựng cung điện chăng? Kẻ tiểu nhân được tiến dùng, còn người quân tử phải lui ẩn chăng? Đường nói năng bịt kín mà ơn trên bị che lấp chăng. Bọn phi tần lộng hành mà cửa sau bỏ ngỏ chăng. Lệnh cho khắp quan lại, quân dân, đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể xoay được lòng trời, dập hết tai biến, hãy thẳng thắn nói ra, chớ nên ẩn dấu, để giúp trẫm sửa những điều thiếu sót".

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2008

Mythology (2) - The war.

Quân Hy-lạp ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh.
Đứng đầu là vua A-ga-men-nông hùng mạnh. Vua xứ Sparta, Mê-nê-láp em A-ga -men-nông. A-zắc sức mạnh vô địch. Và nhiều, nhiều nữa những chiến binh dũng mãnh của Hy-lạp.
Dĩ nhiên không thể thiếu vị vua nổi tiếng mưu trí Ô-đi-xê (Odyssey - Οδύσσεια). Mặc dù Ô-đi-xê không hề muốn tham gia cuộc chiến do lời tiên tri: ông sẽ phải lưu lạc xa quê trong hai mươi năm. Nhưng ông không thể cưỡng lại số phận.
Người Hy-lạp cũng biết rằng họ không thể không có A-sin (Achilles) chạy nhanh như gió, chiến binh vô địch trong các chiến binh.
A-sin là ai? Chàng chính là hoàng tử xứ Miếc-mi-đông, con vua Pê-lê và mẹ là nữ thần Thê-tix. Số phận của chàng được báo trước là sẽ rất vinh quang nhưng vô cùng ngắn ngủi. Vì vậy mẹ chàng, nữ thần Thê-tix, quyết chống lại số phận bằng cách nhúng con vào nước dòng sông bất tử, khiến toàn thân chàng rắn như sắt, không dao kiếm nào đâm thủng. Tuy nhiên, chỗ bàn tay bà mẹ cầm, gót chân, là nơi không được bảo vệ, để lại điểm yếu chết người: gót chân A-sin.
Để tránh cho A-sin không bị lôi kéo vào các cuộc chiến tranh, bà mẹ nữ thần của chàng một lần nữa tìm cách chống lại số mệnh (tội nghiệp, sau lần chống số mệnh đầu tiên thất bại và phải làm vợ vua Pê-lê!). Bà dấu con trai giữa các công chúa, cho ăn mặc và vui chơi như một công chúa.
Vị vua mưu trí Ô-đi-xê lãnh nhiệm vụ tìm ra A-sin. Ông ta giả làm một thương nhân, buôn bán đủ thứ, đến chào mời các công chúa. Trong khi các nàng xúm vào lụa là trang sức thì có một người chỉ nhìn cung kiếm. Thế là A-sin dẫn quân Miếc-mi-đông của mình tham gia đoàn quân Hy-lạp đến Troy.

Trở ngại đầu tiên cho các chiến thuyền Hy-lạp lên đường là cầu cho sóng yên biển lặng. Vua A-ga-men-nông đã phải hy sinh đứa con gái của mình để cúng tế cho các thần linh.
Trở ngại tiếp theo khi đoàn chiến thuyền hùng mạnh cập đất liền Troy. Lời nguyền người đầu tiên bước lên đất Troy sẽ bị chết khiến quân sĩ bất động. Ô-đi-xê mưu trí nhảy xuống thuyền trước tiên để quân sĩ Hy-lạp ào theo. Họ không nhận thấy vị vua khôn ngoan không nhảy xuống đất mà đứng trên chiếc khiên của mình.

Cuộc chiến thành Troy bắt đầu.

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2008

Mythology (1) - The wedding.

Ngày ấy, bỗng nhiên sấm sét nổi lên kinh hoàng, biển động dữ dội. Người ta biết rằng có sự tranh chấp giữa hai anh em, hai vị thần, Dớt (Zeus - Ζεύς, Jupiter) và Pô-dê-đông (Poseidon - Ποσειδῶν, Neptune).
Thần Dớt là vị thần sấm sét, là chúa tể của các vị thần, cai quản đỉnh núi Ô-lym-pia huyền thoại.
Trong khi đó, thần Pô-dê-đông là vị thần cai quản biển cả, thần của sóng gió và dông tố.
Đối tượng tranh chấp của hai vị thần hùng mạnh là nữ thần xinh đẹp Thê -tix (Thetis). Cả hai đều muốn lấy nàng làm vợ. Vụ tranh chấp tưởng chừng không thể giải quyết chỉ kết thúc khi thần tiên tri đưa ra lời tiên đoán: đứa con của nữ thần Thê-tix sinh ra sẽ có sức mạnh hơn cả bố nó. Vì vậy nữ thần Thê-tix không được phép lấy bất cứ một vị thần nào. Nàng được đem gả cho một người trần, vua Pê-lê (Peleus) xứ Miếc-mi-đông (Myrmidons).
Thoạt tiên, (dĩ nhiên?) Thê-tix không chịu. Nhưng các vị thần khôn ngoan đã tiết lộ cho vua Pê-lê biết nơi nàng ngủ và bản tướng của nàng. Nhờ vậy vua Pê-lê ôm chặt được nữ thần bất kể nàng biến hóa như thế nào. Cuối cùng nữ thần đành chấp nhận số phận.
Đám cưới tưng bừng, được tổ chức vô cùng hoành tráng:
Các vị thần tham dự, đàn hát góp vui rộn ràng.
Nhưng đã có một sai lầm (vô tình hay cố ý?): người ta đã không mời Ê-rix (Eris), nữ thần của sự bất hòa. Ngay lập tức, vị nữ thần này thể hiện sự giận dữ bằng chính quyền năng ghê gớm của mình: bà ta ném vào giữa tiệc cưới một quả táo bằng vàng có khắc dòng chữ "Tặng người đẹp nhất".
Quả táo biến thành cuộc tranh chấp giữa ba nữ thần:
Hê-ra (Hera), nữ thần bảo trợ cho phụ nữ và hôn nhân, vợ thần Dớt.
A-ten-na (Athena), nữ thần bảo trợ cho nghề thủ công cũng như các chiến binh, con gái thần Dớt.
và A-ph-rô-đít (Aphrodite, Venus), nữ thần của sắc đẹp, tình yêu và quyến rũ.
Cuộc tranh giành cần có một trọng tài phân xử. Người được chọn là chàng chăn bò điển trai Paris.
Hera hứa, nếu Paris xử cho mình thắng, bà ta sẽ biến anh thành một vị vua hùng mạnh trên một lãnh thổ rộng lớn.
Athena hứa sẽ biến Paris thành một chiến binh bách chiến bách thắng, lừng lẫy vinh quang nếu chàng xử quả táo về mình.
Aphrodite mua chuộc Paris bằng lời hứa giúp cho chàng cưới được người phụ nữ đẹp nhất châu Âu, nếu chàng xử mình là người đẹp nhất.
(Thử đoán xem,) Paris đã không ngần ngại trao phần thưởng vào tay nữ thần sắc đẹp. Đồng nghĩa với cùng lúc chàng chuốc lấy hận thù từ phía hai nữ thần thua cuộc.

Người phụ nữ đẹp nhất châu Âu là nàng Hê-len (Helen), vợ vua Mê-nê-láp (Melenaus) của Sparta.
Chàng thanh niên Paris chính là đứa con bị bỏ rơi của vua Priam, vua thành Troy. Chàng bị vứt bỏ từ khi mới sinh ra vì lời tiên đoán: chàng là người làm cho thành Troy bị hủy diệt. Nhưng số phận đã trả chàng về với ngôi vị Hoàng tử.
Khác với ông anh trai A-ga-men-nông (Agamemnon) hung bạo và đầy tham vọng chiếm đoạt, vua Mê-nê-láp đã mệt mỏi với những cuộc chiến. Ông muốn hòa bình và bắt tay với các quốc gia láng giềng. Đó chính là lý do khiến Hoàng tử thành Troy có mặt và được đón tiếp tại Sparta.
Nhưng đó cũng là định mệnh. Nữ thần sắc đẹp Aphrodite giữ lời hứa. Paris trở về Troy cùng nàng Helen xinh đẹp.
Vua Mê-nê-láp không còn lại lựa chọn nào hơn là chuẩn bị chiến tranh với Troy. Cuộc chiến vì danh dự, rửa hận và giành lại vợ. Cuộc chiến sẽ lôi kéo sự tham gia của nhiều vị vua đất Hy-lạp (Greek) mà đứng đầu là không ai khác hơn chính A-ga-men-nông. Cuộc chiến cũng sẽ có sự tham gia của nhiều vị thần ở cả hai phía, trong đó không thể không kể đến Hera và Athena, ủng hộ quân Hy-lạp để trút giận lên quê hương Paris.

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2008

?

Tình cờ lang thang gặp người quen cũĐã viết về bức ảnh này một lần trong 360 độ. Một cô bé đói lả (a starving little girl) đang cố bò về nơi phát thức ăn (a feeding center) ở Sudan, đằng sau là một con kên kên (a vulture) đứng chờ (?) (loài chim chuyên rỉa xác chết).
Bức ảnh xuất hiện lần đầu tiên trên tờ The New York Times ngày 26 tháng 3 năm 1993. Ngày 2 tháng 4 năm 1994, người chụp bức ảnh, Kevin Carter, được thông báo trúng giải Pulitzer, một giải thưởng danh giá.
Bức ảnh giành được sự quan tâm của rất nhiều người (khác VN?!). Người ta hỏi thăm về số phận đứa bé (càng khác VN?!?!). Nhiếp ảnh gia cho rằng đứa bé vẫn đủ sức đến chỗ có thức ăn, và rằng anh đã xua đuổi con kên kên đi. Nhưng anh không biết số phận đứa bé về sau. Vì điều này mà anh nhận được rất nhiều chỉ trích. Có những chỉ trích thật nặng nề.
"The man adjusting his lens to take just the right frame of her suffering might just as well be a predator, another vulture on the scene."
(Người chỉ biết chụp cảnh ấy thì cũng chỉ là một con kên kên khác mà thôi.)
Ngày 27 tháng 7 năm 1994, Kevin Carter lái chiếc xe của mình đến bờ sông, nơi anh vẫn nô đùa thuở nhỏ, lấy một cái ống dẫn khí thải xe vào trong, đóng kín cửa xe và tự kết thúc đời mình bằng khí CO (carbon monoxide) ở tuổi 33.
Nhiều người tin rằng anh tự sát vì những chỉ trích liên quan đến bức ảnh nổi tiếng. Nhưng cũng có những người bênh vực anh.
"What are the odds the little girl is alive today? Not very high, I'd say. If she is alive, what quality of life is she likely to have? She almost certainly has permanent damage from her period of starvation during crucial development, both before and after birth. It is easy to criticise Kevin Carter. Why? Because he took a photo of one starving child among thousands? Let those who send all their spare cash to the needy cast the first stone..."

Còn chúng ta? Chúng ta suy nghĩ như thế nào về chuyện này?

War doesn't determine who is right, war determines who is left.

– Bertrand Russell (1872-1970), English philosopher, author, 1950 Nobel Prize-winner in Literature.

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2008

Đại Việt sử ký toàn thư

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Thực Lục
Quyển XII

[1a]

Kỷ Nhà Lê

Thánh Tông Thuần Hoàng Đế

Tên húy là Tư Thành, lại húy là Hạo, là con thứ tư của Thái Tông. Ở ngôi 38 năm, thọ 56 tuổi, băng táng ở Chiêu Lăng.
Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được.
Nhưng công trình thổ mộc vượt quá quy mô xưa, tình nghĩa anh em thiếu hẳn lòng nhân ái.
Đó là chỗ kém vậy.

...

Quý Mùi, [Quang Thuận] năm thứ 4 [1463], (Minh Thiên Thuận năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, miễn kỳ hội duyệt các quân vì năm trước có đại xá.
Bắt đầu định lệ ba năm một lần thi hội.
Tháng2, tổ chức thi hội cho các sĩ nhân trong nước. Bấy giờ người dự thi có tới 4.400 người, lấy đỗ 44 người.
Ngày 16, thi điện cho các tiến sĩ.
Sai Nhập nội kiểm hiệu tư đồ bình chương sự Nguyễn Lỗi và Nhập nội đô đốc đồng bình chương sự tri Đông đạo chư vệ quân dân Quốc tử giám tế tửu Lê Niệm làm đề điệu. Chính sự viện [12b] tham nghị chính sự Nguyễn Phục làm giám thí, Môn hạ sảnh ty tả gián nghị đại phu tri Bắc đạo quân dân bạ tịch kiêm Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ Nguyễn Như Đổ; Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ tri Đông đạo quân dân Nguyễn Vĩnh Tích; Quốc tử giám tế tửu Nguyễn Bá Ký làm độc quyền.
Vua ra hiên, thân hành ra đề văn sách hỏi về đạ xuất thân theo thứ bậc khác nhau.
Xuống chỉ rằng làm lễ cầu mưa thì dùng tiền thuế.
Ban biển ngạch cho người phụ nữ trinh tiết là Nguyễn Thị Bồ ở xã Đại Hữu Lệ, huyện Thanh Trì để nêu khen với xóm làng, cho một người con hay cháu được miễn phu dịch để nuôi nấng.
Ngày 22, truyền loa xướng danh các tiến sĩ là bọn Lương Thế Vinh và ban ân mệnh cho từng người. Sai các quan Lễ bộ đem bảng vàng treo ngoài cửa Đông Hoa cho các sĩ nhân biết.

...

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Thực Lục
Quyển XIII

[1a]

Kỷ Nhà Lê

Thánh Tông Thuần Hoàng Đế (hạ)

...

Đinh Hợi, [Quang Thuận] năm thứ 8 [1467], (Minh Thành Hóa năm thứ 3).

...

Thưởng 10 quan tiền cho quan Bí thư giám [46b] và quở trách bọn Lương Thế Vinh, Đỗ Hân học hành không tiến bộ.

...

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2008

Rau Trà Quế





Gốm Thanh Hà (2)

Đều xoay, tay khéo.


Sớm nắng, lâu mưa.


Đượm củi,


thông lò.


Bắt đầu từ Đất.

Gốm Thanh Hà (1)

Tò he (không to hè!).


Trang trí.


"Phúc".


Ngả nghiêng "phồn thực".


Bụng rộng mà miệng tí tì ti
Chỉ biết tiền thôi, chẳng biết gì ...
(Nay không còn "ăn" bằng miệng nữa (?!))

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2008

Košice



Đài phun nước theo điệu nhạc. Nằm ở trung tâm thành phố, giữa nhà hát lớn và nhà thờ. Không khí trong lành. Nhạc cổ điển trong tiếng nước rơi. Yên bình và thư thái. Ban đêm nhảy múa theo nhạc còn có ánh đèn nhiều màu sắc. Sau màn nước là nhà thờ.


Ban ngày, nhìn đài phun nước từ phía đối diện, về phía nhà hát lớn. Không chỉ có nước và ánh đèn nhảy theo điệu nhạc, đôi khi còn có những cặp đôi, già có, trẻ có, cũng dập dìu.


Có thể thấy khung cảnh ngày ấy - bây giờ chẳng khác bao nhiêu qua bóng dáng nhà hát lớn. Đánh dấu ta đã ở nơi đây. Hihi.


Đây là cảnh trước ga đường sắt. Khung cảnh vẫn như xưa. Cách đây đúng 21 năm, mình lần đầu tiên đặt chân đến thành phố này chính tại nơi đây. Nay chỉ thấy khác là mấy chiếc tàu điện màu sắc sặc sỡ (có lẽ quảng cáo ?!), vẫn chạy trên đường ray ấy. Phía dưới là hình ảnh chiếc tàu điện thời mình ở đó, trên khung cảnh không đổi.

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2008

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2008

Thành cổ Quảng trị

"Góc thành Đông
Lều một gian
..."
Thành này là thành cổ Quảng trị. Nơi chúa Tiên đã dừng bước trên đường mở cõi. Đây là những gì còn lại ngày nay của cổng thành phía Đông. Cổng còn nguyên vẹn nhất trong bốn mặt cổng. Ngay sát nhà mình. :-)



Cũng cái cổng phía Đông đó, nhìn từ phía trong thành. Buồn ảo não.



Bây giờ nhắc đến thành cổ Quảng trị người ta chỉ biết đến thời đạn bom. Đài tưởng niệm này được xây lên ngay chính giữa thành. Theo biểu tượng âm dương.



Đứng trên đài tưởng niệm nhìn về phía Nam. Người ta tu sửa cổng thành phía Tây cho khách tham quan. Cổng phía Bắc mới có cái chuông đồng to. Đánh không kêu.



Không định làm hướng dẫn viên du lịch thành cổ. Đây là đường vào cổng thành phía Đông. Đi không cẩn thận coi chừng té. Cổng đóng. Đường không có. Nhưng đường lại có tên: Đường Hoàng Diệu. :-(

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2008

Đêm Đà Nẵng

Cầu Sông Hàn. Dân gian cũng gọi cầu "chị Quyên", để đối với cầu Nguyễn Văn Trỗi (nguyên là cầu Trịnh Minh Thế - một trong những cây cầu thép, kết cấu hàn còn lại cuối cùng trên thế giới, nhưng hình như người ta sẽ đập bỏ?!) và cầu Trần Thị Lý (tên này có chính thức không ta?). Còn có ý quyên góp :-). Nhiều người đã từng phân tích cầu không có gì đặc sắc về kiến trúc (thế mà cũng thành biểu tượng này nọ!). Được cái hữu dụng. Thay cho thời xa vắng qua phà hoặc phải đi vòng xa lắc!
Đêm. Không ít du khách chê bai những ngọn đèn màu sặc sỡ gắn đầy cầu. Thôi thì ... :-)



Benson Limketkai. Giáo sư dạy computer science cho ECE. Ngày hôm kia chơi bóng chuyền với sinh viên, thế nào lại bị té, trật khớp vai. Suýt khóc vì nếm mùi bệnh viện VN :-).



Thu Hương (trái) và Miên Thảo. Hương là tình nguyện viên của IVCE sang VN dạy tiếng Anh. Sinh viên năm thứ 2 đại học Princeton. Mới 18 tuổi mà đã dạy tình nguyện hết Campuchia tới VN.



Trái sang phải: Chương, Benson, Thu Hương, Phi Hồng (chị gái Thu Hương), Miên Thảo và Kiên. Hồng lo cho em mà bay từ Mỹ sang VN.



Tối qua là 17 âm lịch. Trăng muộn nhưng vẫn tròn vành vạnh. Nhìn là thấy còn nắng hạn đây. Tháng này, Kỷ Mùi nguyệt, Mậu Tý niên bao gồm cả Tiểu Thử (mùng 5) lẫn Đại Thử (20). Chống nóng đê ê ê.

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2008

Chân dung Lão già lười

Cụ Phan.
Mình hâm mộ 3 chí sĩ đất Quảng: Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng.
Những tâm hồn nhân văn!



Mình không phải loại mê thơ.
Đọc Bùi Giáng cũng chẳng mấy.
Như 2 câu trên đây, không hiểu! :-((



Cái hình này gớm chết.
Chắc học Tôn Ngộ Không? Thêm mấy phần ma quỷ.
Nhưng là cầm tinh của mình!



Đây cũng là tử vi của mình.
Theo phương Tây.
Cancer.



Cuối cùng là nghề nghiệp.
Cũng thực hư đủ cả!
Qua ngày đoạn tháng.